• 1654 lượt xem
  • 23:39 29/07/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 15|: Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu?

Chúng ta đang trong những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm, thế nhưng đây lại là thời điểm mà du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một tín hiệu đáng mừng tại nhiều tỉnh thành trong khoảng 2 tháng gần đây là lượng khách du lịch đến với các điểm di sản đã có bước tiến vượt bậc, điển hình như các tuyến du lịch Ninh Bình, Hạ Long ...

hay Thừa Thiên Huế.  Điều này đã minh chứng sức hấp dẫn của những giá trị di sản đất nước ta. Trong chuyên mục “Dòng chảy di sản” ngày hôm nay, mời Quí vị hãy cũng tôi cập nhật những thông tin mới nhất về các giá trị di sản diễn ra trong tuần qua. 

VIỆT NAM TRÚNG CỬ ỦY BAN BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA UNESCO

Vừa qua, tại Paris - Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (Công ước 2003), Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.

ĐÀ NẴNG – LỄ HỘI ẨM THỰC TẠO ĐIỂM NHẤN CHO MÙA DU LỊCH 2022

Nằm trong chuỗi sự kiện “ Lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022”, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ hội “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng" nhằm thu hút người dân, du khách đến tham gia trải nghiệm, thưởng thức những giá trị di sản ẩm thực và tham quan, mua sắm các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Minh Cảnh- Du khách Kiên Giang:Bữa nay lần đầu tiên tới Đà Nẵng, mình đi cùng gia đình, tới gặp đúng lễ hội ẩm thực. Các món ăn rất là ngon”

Bà Yvonne- Du khách Singapore: “Chúng tôi thật may mắn khi đến Đà Nẵng đúng ngày đầu tiên của lễ hội ẩm thực. Chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn ngon ở đây. Và tôi cũng đã trải nghiệm làm bánh tráng này, rất là ngon”.

Đà Nẵng là một trong những địa phương có nền ẩm thực khá phong phú và đặc trưng, được nhiều du khách đánh giá cao. Việc tổ chức lễ hội ẩm thực chính là điểm nhấn trong mùa du lịch năm nay, nhằm khẳng định vai trò của di sản ẩm thực đối với ngành dịch vụ của địa phương.

TP.HCM RA MẮT 6 TOUR DU LỊCH ĐẶC TRƯNG 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch gắn với xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, đồng thời quảng bá những giá trị di sản đặc trưng, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các doanh nghiệp công bố và triển khai 42 chương trình du lịch nội đô tại TP. Thủ Đức và 21 quận/huyện. Trong số 42 chương trình du lịch nội đô TP.HCM đã được công bố và triển khai, có 6 tour du lịch mới đặc trưng vừa được đưa vào khai thác; gồm tour Sài Gòn - Củ Chi kết hợp các phương tiện ôtô, xe đạp, đường sông để trải nghiệm thiên nhiên xanh, không gian gần gũi, đồng thời tìm hiểu những giá trị di sản đặc trưng của vùng đất này. Bên cạnh đó, Tour Sài Gòn - Thủ Đức là sự kết hợp giữa các phương tiện buýt sông, ôtô, xe đạp… để tìm hiểu văn hóa lịch sử và không gian miệt vườn ven sông Sài Gòn. Tour Sài Gòn - Hóc Môn; tour Sài Gòn - Quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ; tour Sài Gòn - Bình Chánh tìm hiểu văn hóa - lịch sử và không gian sống gắn với đời sống nông thôn, nông nghiệp, làng nghề.   

CÂU CHUYỆN DI SẢN: BỘ MỘC BẢN CỔ KIM TRUYỀN LỤC

Đền Văn Hiến thuộc làng Hạ Mỗ xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội là một di tích văn hóa kiến trúc nổi bật của Thành phố Hà Nội. Thế nhưng, bên cạnh những câu chuyện truyền kì về những vị danh nhân đất làng như Thái úy Tô Hiến Thành hay quan nghề Đỗ Trí Trung, trong ngôi đền này còn chứa đựng cả những câu chuyện đậm tính xã hội về bộ mộc bản Cổ Kim Truyền lục

Ông NGUYỄN TỌA – Xã Hạ Mỗ, huyện Đang Phượng, thành phố Hà Nội: Người làng Hạ Mỗ chúng tôi rất tự hào là cha ông mình đã để lại cho con cháu đời sau một di sản rất quí, đó là bộ mộc bản Cổ Kim Truyền lục, dùng để in sách Cổ Kim Truyền lục. Sách Cổ Kim Truyền lục mà các cụ làng Hạ Mỗ chúng tôi tiến hành là thông qua lễ Đồng Giáng bút năm 1907 tại chùa Hải Giác của làng và tất cả các sáng tác phẩm của nhà thơ, nhà nho làng đã viết các bài thơ này nhưng mà phải che mắt thực dân Pháp thì các cụ phải dùng bằng phương pháp tức là đây là trời phật, thánh tiên giáng bút".

Theo tài liệu lịch sử của làng Hạ Mỗ, bộ mộc bản này gồm hơn 500 bài thơ ca thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, chống giặc ngoại xâm do chính người làng sáng tác nhưng giấu tên tác giả. Đã có giai đoạn, bộ mộc bản bị giặc Pháp tịch thu, sau đó lại bị bỏ xó không được quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, kể từ sau Đổi mới, những vấn đề về văn hóa được Đảng và Nhà nước tuyên truyền đẩy mạnh thì người dân nơi đây đã có nhận thức và ý thức hơn về tầm quan trọng của bộ mộc bản Cổ Kim Truyền lục. Nhờ vậy, bộ mộc bản được thu hồi và lưu giữ trọn vẹn cho đến ngày nay, trở thành di sản nổi bật của xã Hạ Mỗ. 

Ông BÙI TẤT THÊM  – Chủ tịch UBND Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội: “Bảo quản cái di sản này thì tôi phải nói là rất cảm ơn các cụ, các ông các bà qua các thời kì đã lưu lại, giữ lại và bảo quản đến bây giờ. Và bây giờ trách nhiệm của chúng tôi, cả chính quyền địa phương với người dân phải có trách nhiệm bảo quản lại. Mục tiêu của chúng tôi bảo quản với cái phương thức là làm hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Chúng tôi rất là coi trọng vấn đề này và cố gắng trong tới, chúng tôi sẽ đề xuất là di sản ký ức quốc gia, bảo quản và phát huy giá trị của nó”.

Một làng quê nhỏ bé nhưng tấm lòng của người dân không bé nhỏ chút nào. Dân làng Hạ Mỗ đã có nhận thức với những giá trị di sản của quê hương và cũng đả bỏ công, bỏ sức để đưa giá trị di sản của làng vượt ra ngoài khỏi ranh giới làng. Dẫu chưa biết bộ mộc bản này có được công nhận hay bao giờ mới được công nhận, nhưng ít nhất, với người dân làng Hạ Mỗ thì bộ mộc bản này chính là di sản tư liệu vô cùng quí báu, minh chứng cho cả một giai đoạn lịch sử chống giặc ngoại xâm bằng tư tưởng, ngòi bút của một thế hệ nhà nho trên mảnh đất làng Hạ Mỗ.   

“Di sản tư liệu” không phải là một khái niệm mới trên thế giới nhưng ở nước ta thì loại hình di sản này mới chỉ thực sự được quan tâm và chú ý trong khoảng 10 năm trở lại đây. Di sản tư liệu là gì? Chúng ta đang đối xử với loại hình di sản này như thế nào? Những khó khăn, vướng mắc trong bảo tồn di sản tư liệu hiện nay như thế nào?... Để trả lời những câu hỏi đó, ngày hôm nay chúng tôi đã mời tới trường quay TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban  Ký ức thế giới của UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

Chúng ta cũng có thể thấy, di sản tư liệu chính là những hiện vật rất gần gũi mà có thể vô tình chúng ta đã từng gặp, từng tiếp xúc nhưng chưa hiểu rõ giá trị. Có thể lấy ví dụ như hệ thống bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám hay rất nhiều bia đá cổ tại các khu di tích tâm linh, nơi lưu giữ rất nhiều dòng thông tin quí giá về chế độ xã hội, chế độ thi cử, vinh danh cá nhân kiệt xuất vv…. Thông tin chứa đựng trong mỗi  hiện vật di sản tư liệu chính là những chứng cứ lịch sử xác đáng, góp phần hoàn thiện những khoảng trống của nền lịch sử nước nhà. Vì vậy, những giá trị di sản tư liệu rất cần sự nhìn nhận xác đáng và khi được nhìn nhận đúng thì giá trị của di sản mới có thể phát huy được.  

Đây là phòng chứa hay còn gọi là kho chứa  Mộc bản của chùa Bổ Đà. Bên cạnh chức năng của một không gian lưu trữ, căn phòng này đã được nhà chùa trang bị thêm một số thiết bị kĩ thuật như phòng cháy chữa cháy, thiết bị báo động nhằm bảo quản và lưu giữ di sản tư liệu quí giá này tốt hơn kể từ sau khi được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2020.

Đại đức THÍCH TỤC VINH – Trụ trì chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang: “Từ xưa đến giờ các hòa thượng để như thế này nên chúng tôi cũng để như thế này thôi và cũng có hệ thống báo động, rồi ở đây cũng có công an để bảo vệ cái kho kinh này. Rồi phòng chống chữa cháy cũng nhờ các chú lắp để không may mà bị cháy thì cũng không bị ảnh hưởng”.

Còn đây là kho lưu trữ của bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – một trong 5 di sản của nước ta được UNESSCO công nhận là  Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2012. Nhờ việc được công nhận giá trị tư liệu từ sớm nên bộ mộc bản của chùa đã được đầu tư bảo quản tương đối bài bản. Từ bộ tủ kệ được thiết kế riêng biệt, đến phương pháp bảo quản như nâng chân tủ phòng mối mọt, phun thuốc chống vi khuẩn hàng năm, lắp hệ thống báo động phòng chống cháy nổ….đã khắc phục được nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản này.

Ông NGUYỄN VĂN HÒA – Phó Chủ tịch UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang: “Từ khi được UNESCO công nhận thì địa phương đã có những văn bản lên đến tỉnh, trung ương đề nghị phát huy bảo tồn cái di sản văn hóa này. Sau khi được UNESCO công nhận thì chúng tôi cũng đã xây dựng được cái nhà mộc bản, chuyên để lưu trữ các tàng kinh, gìn giữ các di sản mà ông cha ta đã để lại”.

Không chỉ xây dựng được nhà tàng kinh, nhà chùa cùng với chính quyền địa phương đã đầu tư riêng một phòng trưng bày, nhằm phục vụ du khách thập phương tới vãn cảnh chùa cũng như tìm hiểu về giá trị di sản. Đây là điều mà rất ít đơn vị đang chịu trách nhiệm quản lý di sản làm được nếu không có nhận thức đúng đắn cũng như không có sự đầu tư bài bản.

Đại đức THÍCH THANH VỊNH – Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang: “Trước đây khi chưa được xếp hạng mộc bản thì sự quan tâm của cộng đồng cũng như về phía giáo hội rất là hạn chế. Nhưng sau khi được công nhận rồi thì ý thức của bản tự cũng như địa phương đã thay đổi, quan tâm rất cao. Vì vậy sau khi công nhận xong mới có thủ tục chuyển kho, xây dựng nhà trưng bày. Tóm lại là sau khi được công nhận thì không những địa phương quan tâm, trong nước quan tâm mà cả nước ngoài cũng quan tâm.”

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cả hai bộ Mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đều là những di sản rất có giá trị đối với nền phật giáo cũng như lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, từ thực tế diễn ra nhiều năm qua có thể thấy, hai bộ mộc bản này chỉ thực sự được đầu tư, chú ý kể từ khi được công nhận bởi những danh hiệu di sản đã có qui định. Đây cũng là dẫn chứng rõ ràng nhất cho thấy danh hiệu đã đem đến sự thay đổi như thế nào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.  

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

BẢO VẬT QUỐC GIA: THẠP GỐM HOA NÂU THỜI TRẦN

Nhắc đến những dòng gốm cổ nổi bật của lịch sử đất nước thì có lẽ chúng ta không thể bỏ qua những hiện vật đồ gốm hoa nâu – một dòng gốm điển hình của thời nhà Trần. Cho đến thời điểm nay, chúng ta vẫn còn lưu giữ được khá nhiều các hiện vật gốm hoa nâu thời Trần, trong đó có cả những hiện vật mang tính độc bản. Trong chuyên mục Bảo vật Quốc gia tuần này, mời quí vị khán giả tới với Bảo tàng Quảng Ninh để chiêm ngưỡng hiện vật “Thạp gốm hoa nâu thời Trần”, bảo vật Quốc gia vừa được công nhận vào cuối năm 2021.  

Gốm hoa nâu là dòng men gốm nổi tiếng của thời nhà Trần, được tìm thấy trên diện phân bổ rộng, trài dài từ  Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Thái Bình,  tới Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…Gốm hoa nâu mang tính thời đại sâu sắc, thấm đẫm yếu tố Phật giáo khi mà vào thời Lý Phật giáo đã trở thành Quốc giáo và phát triển rực rõ suốt hai triều đại Lý – Trần. Và những điều này càng được hiện thị rất rõ trên Bảo vật Quốc gia “Thạp gốm hoa nâu thời Trần”

Ông ĐỖ ĐĂNG ĐƯỜNG  –  Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh:Thạp gốm hoa nâu thời Trần thế kỉ 13-14 được tạo tác từ chất liệu đất sét trắng và trên thân thạp có tráng men, men nổi bật tiêu biểu nhất là men hoa nâu. Đây là nét văn hóa hết sức là đặc trưng của gốm sứ thời kì Lý Trần.”.

Chị TÔ THỊ BÍCH NGỌC– Phòng Tuyền truyền cơ sở Bảo tàng Quảng Ninh: “Các trang trí tạo hình hoa sen, rồi là trang trí tạo hình hổ nhưng đầu rồng, cùng với đó là hình người cưỡi ngựa, một phần nào đó cũng đã mô phỏng được cuộc sống cũng như là nét văn hóa đặc trưng của thời kì nhà Trần”.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, đặc trưng tiêu biểu nhất của chiếc thạp gốm này là từ trên xuống dưới tạo nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần. Trên thạp có 15 cánh sen chính liền nhau nằm trên và 15 cánh sen phụ nằm dưới giữa hai cánh sen chính. Bên cạnh đó, thân thạp có 3 băng hoa văn, khắc những chủ đề chim muông, người cưỡi ngựa. Đặc biệt, thân thạp còn có phần mô tả rất kỹ hình vẽ hổ trong tư thế ngồi xổm, tượng trưng cho giai đoạn chấn hưng và gìn giữ độc lập của triều Trần.  

Chị TÔ THỊ BÍCH NGỌC – Phòng Tuyền truyền cơ sở Bảo tàng Quảng Ninh: “Cái kĩ thuật chế tác Thạp gốm Hoa Nâu được đánh giá là làm thủ công, dựa trên kĩ thuật chuốt tay trên bàn xoay. Tất nhiên là để có thể làm được cái sản phẩm còn nguyên vẹn mà còn giữ nguyên độ màu bền như vậy thì phải nung trong nhiệt độ rất là cao”.

Từ chất liệu xương sét trắng, đôi bàn tay những nghệ nhân thời ấy đã nhuộm lên chiếc thạp gốm một màu men sứ của thời đại, khắc lên đó những giá trị biểu tượng cho tư tưởng, văn hóa của thời đại. Đó chính là những giá trị không thể cân đo, đong đếm mà Bảo vật Quốc gia đã giữ lại được  cho hậu nhân. 

NƠI NÀY NĂM XƯA: ĐÀI THIÊN VĂN PHÙ LIỄN

“Kiến An có núi Ông Voi/ Có sông Văn Úc, có đồi Thiên Văn”. Đây là những câu thơ đã đi vào trong tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Hải Phòng cũng như khách thập phương khi tới với Hải Phòng. Trong chuyên mục “Nơi này năm xưa”, quí vị hãy cùng tôi du ngoạn tới một trong ba địa điểm đã được nhắc trong 2 câu thơ trên, đó chính là Đồi Thiên Văn. Tại sao địa điểm này có tên là Đồi Thiên Văn, trên Đồi Thiên Văn có gì, hãy cùng tôi khám phá trong phóng sự ngay sau đây.

 Nằm trên đỉnh núi Phù Liễn, thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, ít ai biết tòa nhà mang đậm kiến trúc Pháp này đã có tuổi đời hơn một thế kỉ. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Hải Phòng lại gọi nơi đây là Đồi Thiên Văn, mà cái tên đó xuất phát từ lịch sử  hình thành công trình Pháp cổ này.

Ông NGUYỄN ĐÌNH THUẬT – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc: “Đài Thiên văn Phù Liễn là cái tên mà người dân thường gọi. Tên đầu tiên của nó là Đài Khí tượng và địa từ Trung Ương, được Pháp xây dựng và thành lập từ năm 1902. Trước đây Đài Thiên Văn Phù Liễn là một đơn vị tương đương với một Bộ ngành bây giờ, đóng ở trên đồi Phù Liễn. Trong quá trình xây dựng thì họ cũng xây dựng luôn cả trạm khí tượng Phù Liễn”.

Trải qua hơn 100 năm lịch sử, tòa nhà từng là trụ sở của Tổng cục Thiên văn xứ Đông Pháp giờ đây đã nhuốm màu hoang tàn. Và cũng theo như chia sẻ của các cán bộ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, trước đây tòa nhà này đã được chuyển làm bảo tàng khí tượng, nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật quí của ngành khí tượng nước ta. Tuy nhiên, do sự xuống cấp về cơ sở vật chất mà toàn bộ hiện vật của bảo tàng đã phải chuyển đi nơi khác, còn tòa nhà buộc phải khóa cửa để không. Dường như từ quá khứ đến hiện tại, giá trị của tòa nhà này cũng giảm dần theo năm tháng.

Ông NGUYỄN NGỌC MINH – Trạm trưởng Trạm khí tượng môi trường Phù Liễn: “Đài bây giờ cũng xuống cấp thì mình cũng có cảm giác rất là buồn, tại vì đây cũng là cái lịch sử ngành, bây giờ nó xuống cấp thì mình cũng cảm thấy trong lòng gợi lên một nỗi buồn gì đó”.

Hơn 20 năm là thời gian anh Minh đã gắn bó với công việc quan trắc môi trường khí tượng trên đỉnh đồi Thiên Văn. Có lẽ vì thế, sự đổi thay của cảnh vật nơi đây cũng khiến anh không khỏi tiếc nuối. Có chút gì đó vẫn còn nhưng cũng có chút gì đó mất đi, sự mất mát không thể diễn tả thành lời. Vào ngày 23/3/2002, Tổ chức khí tượng thế giới đã chính thức cấp bằng công nhận trạm khí tượng thủy văn Phù Liễn là trạm khí tượng trên 100 tuổi. Một sự công nhận đáng tự hào nhưng lại ẩn giấu trong đó những hoài niệm khi thời gian cứ thế trôi qua.  

Thất đáng tiếc cho một di sản cả trăm tuổi và lại là một di sản biểu tượng của ngành khí tượng giờ lại đang chìm vào quên lãng. Hi vọng vào một ngày không xa, công trình này có thể khôi phục lại sức sống và truyền đạt những  giá trị đáng quí về lịch sử, khoa học tới du khách trên mọi miền đất nước.  

Anh Thư