• 2340 lượt xem
  • 08:02 06/06/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 10|: Làm thế nào để di sản hấp dẫn với giới trẻ trong hành trình lan tỏa các giá trị văn hóa?

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là câu chuyện chưa bao giờ cũ, bởi với nguồn tài nguyên di sản phong phú và đa dạng của Việt Nam thì nâng cao nhận thức trong bảo tồn và phát huy các giá trị đáng trân quý của dân tộc trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, chương trình “Di sản Việt Nam” cũng mong muốn góp thêm một tiếng nói, một trách nhiệm trong hành trình còn nhiều khó khăn của bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá di sản của dân tộc. Như thường lệ chuyên mục “Dòng chảy Di sản” với những tin tức đáng chú ý tuần qua sẽ mở đầu cho chương trình "Di sản Việt Nam" của chúng tôi hôm nay.

ĐÓN NHẬN BẰNG DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT “THĂNG LONG TỨ TRẤN”

Sáng 29/5, quận Ba Đình (Hà Nội) đã long trọng đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ trấn” cho đền Voi Phục, đền Quán Thánh. “Thăng Long Tứ trấn” ra đời từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý. Đây là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long, ngày đêm bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

TÁI HIỆN NGHI THỨC ĐÓN TẾT ĐOAN NGỌ CUNG ĐÌNH TRONG KHÔNG GIAN HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị cung đình của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhân dịp Tết Đoan ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức chương trình “Tết Đoan ngọ xưa và nay” năm 2022. Không chỉ tái hiện không gian nghi lễ ban quạt trong cung đình ngày Tết Đoan ngọ, du khách đến với chương trình còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như tục “giết sâu bọ”, tục đeo bùa ngũ sắc, tục hái lá làm thuốc nam,… và chiêm ngưỡng chiếc quạt đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết năm 1503 cùng bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn.

Nghệ nhân ẩm thực NGUYỄN ÁNH TUYẾT: Tôi thấy chúng ta nên phát huy những hoạt động như thế này vì tuổi trẻ các bạn chưa hiểu lắm về Tết Đoan Ngọ mang ý nghĩa như thế nào với dân tộc Việt Nam...”.

Những sản phẩm du lịch mang tính tuyền thống đã và đang góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc tới công chúng.

THỪA THIÊN HUẾ DỠ HÀNG RÀO, TẠO KHÔNG GIAN MỞ CHO THÀNH PHỐ DI SẢN

Với mong muốn kết nối không gian đô thị của cố đô Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế đã trở thành một trong những đơn vị tiên phong dỡ bỏ những hàng rào sắt để nhường chỗ cho những khoảng xanh thoáng đãng. Qua đó, du khách có thể bước qua các địa chỉ văn hóa khác trên trục đường Lê Lợi như: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng… một cách dễ dàng. 

Bên cạnh đó, tuyến đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân cũng được tháo dỡ hàng rào khu vực phía tiếp giáp sông Hương, kết nối với không gian phố đi bộ và cầu Trường Tiền. Trong tương lai, khi nhiều cơ quan, công sở của tỉnh Thừa Thiên Huế tháo dỡ hàng rào hoàn toàn sẽ tạo nên một không gian di sản với nhiều liên kết văn hóa và không gian xanh hấp dẫn sự khám phá của cộng đồng.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với các nước đang phát triển trong vấn đề phát triển kinh tế bên cạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc. Việt Nam chúng ta có hệ thống di tích, bảo tàng, cùng số lượng di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng ,tuy nhiên có một thực trạng đó là các di sản của chúng ta chưa thực sự tiếp cận và hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. 

Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để di sản có thể trở nên hấp dẫn với giới trẻ trong hành trình lan tỏa các giá trị văn hóa Việt. Đây cũng chính là câu chuyện di sản mà chúng tôi sẽ đề cập trong phần chính của chương trình hôm nay. 

Vị khách mời sẽ cùng chúng tôi trao đổi về vấn đề này là GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch

Trước khi đến với phần trao đổi cụ thể, mời ông Trương Quốc Bình và quí vị khán giả cùng theo dõi phóng sự sau đây.

CÔNG CHÚNG KHÔNG MẶN MÀ VỚI DI SẢN, DI TÍCH

Bạn ĐÀO QUANG HUY, Đống Đa, Hà Nội: Mình cũng không nhớ lắm, chỉ nhớ có Phong Nha - Kẻ Bàng… Trước đi học cũng có được dạy tới nhưng bây giờ không sử dụng tới nên mình cũng quên”.

Bạn ĐÀO VĨNH LƯƠNG, Thanh Miện, Hải Dương: Em đi tham quan các bảo tàng hay di tích lịch sử chủ yếu đi cùng trường lớp hoặc đi cùng gia đình thôi…”.

Bạn ĐINH GIA BẢO, Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Thật ra mình cũng chẳng mấy khi đi tham quan bảo tàng đâu vì mình thấy những kiến thức lịch sử ở đó khá là khô khan..”.

Bạn TRẦN THU HƯỜNG, Thanh Xuân, Hà Nội: “Nếu như để chọn một điểm đến tham quan hay du lịch thì em sẽ không chọn bảo tàng hay di tích lịch sử, vì bây giờ chúng em có nhiều điểm vui chơi đa dạng nên em sẽ ưu tiên cho những nơi đó hơn…”.

Bạn NGUYỄN ANH TÚ, Nam Từ Liêm, Hà Nội: Tại Thủ đô, mình chỉ biết một số di tích lịch sử thôi vì mình không đi nhiều. Di tích như Chùa Một Cột này… Lần gần nhất mình đến thăm là từ hồi mình đi tham quan cùng trường…”.

Không có quá nhiều hiểu biết về các giá trị di sản của dân tộc, đã rất lâu không ghé thăm, không mấy mặn mà với các di tích lịch sử hay các bảo tàng,… đó là tình trạng chung đáng buồn của một bộ phận công chúng trẻ hiện nay. 

Theo một con số thống kê, Việt Nam hiện có 28 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó có 19 di sản văn hóa (DSVH) (bao gồm 6 DSVH vật thể và 13 DSVH phi vật thể thế giới). Bên cạnh đó, cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 8 di tích và thắng cảnh đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Đó là Khu di tích cố đô Huế (1993), Khu thắng cảnh Hạ Long (1994, 2000), Khu thánh địa Mỹ Sơn (1999), Khu phố cổ Hội An (1999), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành Nhà Hồ (2012) và Khu danh thắng Tràng An (2014) cùng 105 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3 nghìn di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố và hàng triệu di vật, cổ vật đang được lưu giữ tại gần 200 bảo tàng các loại đã và đang được nghiên cứu để bảo vệ và phát huy giá trị…. Với số lượng các di sản, di tích không nhỏ như vậy, nhưng sự quan tâm và nhận thức của công chúng trẻ với các di sản này dường như chưa tương xứng.

TS. VŨ ĐỨC LIÊM - Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội: Trong bối cảnh của chúng ta hiện nay, các bảo tàng, di tích, các công trình văn hoá đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên nhiều khía cạnh. Đó là nơi lưu giữ thông tin, truyền thống, bản sắc về quá khứ. Đó cũng là nơi xã hội nhìn lại mình, như một phòng thí nghiệm của lịch sử, văn hoá... Mỗi khi ta gặp gì khó khăn, ta lại quay trở lại những giá trị đó để chúng ta hiểu cách vận hành như thế nào trong quá khứ. Đó cũng là nơi chúng ta giáo dục thế hệ trẻ… Theo quan niệm của người Việt, di sản vẫn là thứ gì đó cực kỳ quý giá, chính vì thế nên cất giữ nó thật sâu, thật kỹ, tách xa khỏi công chúng…”.

Các chuyên gia đã nhận định, lịch sử chính là một trong những nền tảng cơ bản của một đất nước, qua những trang sử sẽ giúp cộng đồng có thêm hiểu biết về những giá trị văn hoá hồn cốt của dân tộc. Thế nhưng thực tế, lịch sử vẫn là một môn học không quá hấp dẫn với các bạn trẻ bởi những con số, những mốc lịch sử vẫn bị mặc định là khô khan, lý thuyết và khó nhớ. Kéo theo đó là những bảo tàng, di tích nơi lưu giữ những giá trị văn hoá lâu đời, những hiện vật lịch sử của đất nước cũng đang không thu hút được công chúng trẻ.

PGS.TS TRẦN HỮU SƠN - Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch: Chúng ta phải xác định rõ di tích không chỉ đơn thuần là địa điểm giáo dục mà nó còn phải phát triển trở thành một loại hình du lịch di tích, di sản…, hầu hết chúng ta chưa chú trọng điều này… Ta chưa chú trọng xây dựng các sản phẩm, đến xem và thuyết minh mãi cũ kỹ. Các địa điểm này cũng không chú trọng đến hình thức trình diễn mà chỉ là sự truyền đạt khô cứng và cũ từ một phía…”.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch bảo tàng, tour du lịch lịch sử được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và nó không chỉ dành cho khách du lịch, khách nước ngoài, những nhà nghiên cứu mà còn là một hoạt động ngoại khóa bổ ích, hấp dẫn cho giới trẻ. 

Ngoài chức năng lưu giữ, bảo tồn và trưng bày hiện vật, các bộ sưu tập, truyền tải những sự kiện của dòng chảy lịch sử thì bảo tàng, các điểm di tích còn là nơi nghiên cứu, tìm hiểu của giới chuyên môn, là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong lịch trình các tour du lịch.. Thế nhưng, hiện nay, nhiều bảo tàng hay các điểm di tích ở nước ta chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách và dường như những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả ở Việt Nam.

Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi với GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch.

ĐƯA DI TÍCH, DI SẢN TIẾP CẬN GẦN HƠN VỚI CÔNG CHÚNG TRẺ

Không thể phủ nhận thời gian qua, các di tích và bảo tàng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức về cả yếu tố khách quan như dịch bệnh Covid-19 và cả những yếu tố chủ quan. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng khiêm tốn về số lượng công chúng trẻ tiếp cận với các giá trị cốt lõi của dân tộc, các điểm di tích và bảo tàng đang đứng trước những xu thế bắt buộc phải chuyển mình và thay đổi để có thể phá bỏ những lối mòn và khoác lên mình những “tấm áo mới” hấp dẫn hơn và độc đáo hơn. 

Đây là một trong những tour thăm quan trưng bày triển lãm có tên gọi “Đứng lên và cất tiếng” tại khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, với những câu chuyện, những hiện vật thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên. Không gian trưng bày trẻ trung, sự mới lạ trong các trải nghiệm cho khách thăm quan chính là điểm làm nên sự hấp dẫn của buổi trưng bày này. 

Bên cạnh đó, khi bóng tối buông xuống, một tour thăm quan đặc biệt hơn cũng được diễn ra tại di tích nhà tù Hỏa Lò đó là tour đêm “Sống như những đoá hoa”. Không giống như buổi sáng, vào buổi tối, khách thăm quan có cơ hội đi thăm và lắng nghe lời thuyết minh của tất cả các hiện vật, các câu chuyện, tour tối được xây dựng theo một mạch cảm xúc xuyên suốt, với những điểm dừng chân được chọn lựa nhằm mang lại một câu chuyện trọn vẹn cho du khách.

Bên cạnh đó là rất nhiều hoạt động mới lạ như tái hiện hoạt cảnh, có cơ hội hoá thân thành các nhân vật lịch sử hay trải nghiệm những thức quà độc đáo…, du khách được dẫn lối vào một cuộc hành trình bắt đầu bằng những câu chuyện và tiếp nối bằng sự dẫn dắt của các giác quan, thông qua những trải nghiệm lịch sử 

Bạn LẠI THANH THUỶ, khách du lịch: “Thực sự, sự thay đổi, sáng tạo của tour du lịch này khiến em rất bất ngờ… Em rất thích thú. Giúp em hiểu sâu hơn cũng như cảm thấy các giá trị lịch sử của dân tộc, của các thế hệ cha ông đi trước một cách gần gũi hơn rất nhiều…”.

Hay như một di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận là Hoàng thành Thăng Long thời gian gần đây cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.  Khi tham gia vào tour du lịch này, du khách sẽ bắt đầu hành trình của mình từ Đoan Môn – cửa dẫn vào cấm thành. 

Tiếp nối là những hoạt động được thiết kế dựa trên những giá trị nổi bật của di sản văn hoá thế giới này, như: thưởng thức các  các màn biểu diễn nghệ thuật trên sàn kính tại hố khảo cổ Đoan Môn, tham quan phòng trưng bày "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" với rất nhiều hiện vật, di vật quí giá; dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế tại điện Kính Thiên, tham quan khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu và kết thúc là trải nghiệm giải mã hiện vật Hoàng thành Thăng Long bằng ánh sáng laser trên dòng sông cổ.

Bà NGUYỄN THỊ YẾN - Trưởng phòng Thuyết minh – Tuyên truyền, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội: Tour ngày, rất nhiều du khách đã tham gia, tuy nhiên trải nghiệm vào ban đêm nó cũng có sự khác lạ. Chúng tôi muốn giới thiệu 1 câu chuyện văn hoá nhẹ nhàng và làm nổi bật những giá trị di sản toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, đây là cũng là sản phẩm góp phần phát triển kinh tế đêm của thủ đô Hà Nội.”

Có thể nói, trong xu hướng xã hội ngày càng mở như hiện nay, cùng những thay đổi trong nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu và tiếp cận văn hóa, việc dịch chuyển thời gian du lịch có thể coi là một bước đi sáng tạo, giúp đáp ứng nhu cầu tham quan đa dạng của du khách. Bên cạnh đó, việc triển khai tour đêm như  “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hay tour đêm “Sống như những đoá hoa” của Di tích Nhà tù Hoả Lò sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá di sản, lịch sử đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác du lịch của các di sản.

Trên thế giới, đã có rất nhiều các bảo tàng lựa chọn những cách thức riêng để tạo nên sự khác biệt và ghi lại dấu ấn của mình trong lòng công chúng. Thông qua những đổi mới đó, các bảo tàng và di tích tại nhiều nước trên thế giới đã trở thành những điểm thăm quan hấp dẫn du khách.

PGS.TS TRẦN HỮU SƠN - Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch: Tôi có đi qua một số nước và ở đâu thì bảo tàng cũng gắn với các tour du lịch. Người ta có rất nhiều bảo tàng, bên cạnh các bảo tàng mang tính tổng hợp thì người ta có cả các bảo tàng chuyên đề, mỗi một bảo tàng lại có cá dịch vụ riêng hấp dẫn… 

Như khi sang Bảo tàng Quốc gia của Australia, trong trưng bày người ta cũng thể hiện theo câu chuyện, người da trắng đến đây như thế nào, câu chuyện của ông thuyền trưởng ra sao hay câu chuyện người da trắng đã gặp thổ dân ra sao, di sản của thổ dân là gì… Ngay tại không gian bảo tàng sẽ có các nhóm nghệ nhân biểu diễn văn hoá,… người ta không chỉ chú trọng đầu tư mà còn chọn lựa những vấn đề… Đi theo chuyên đề và đi theo đặc thù khác hẳn với các mô hình bảo tàng cứ giống giống nhau của chúng ta…”.

Những bài học của quốc tế đã chứng minh, chỉ cần những thay đổi đúng, đủ và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công chúng thì sẽ tạo nên sức hút của các bảo tàng và di tích lịch sử. Việt Nam có nguồn số lượng di sản phong phú, cùng bề dày lịch sử đáng tự hào cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc và rất nhiều các yếu tố quan trọng để phát huy di sản trong thực tiễn.

Tuy nhiên, sự thiếu liên kết và đồng bộ trong phát triển hệ thống di sản đã khiến chúng ta không phát huy được thế mạnh của mình. Đây là một bài toán mà chúng ta cần thực sự nghiêm túc nhìn nhận và cần sớm tìm ra lời giải. 

Mời các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trao đổi với GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch.

Lịch sử và các di sản vẫn chưa hoàn toàn bị bỏ quên trong công chúng trẻ, thậm chí chính các bạn trẻ đang trở thành một nguồn lực mới mẻ và hiệu quả trong việc quảng bá các giá trị di sản văn hóa đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. 

Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn hóa của chúng ta sẽ không thể phát huy hết giá trị và ý nghĩa to lớn của nó nếu các di sản không thực sự được công chúng đón nhận và yêu thích. Chính vì vậy, các di tích, bảo tàng cần tạo nên những sự chuyển mình mạnh mẽ và thiết thực, bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại và công chúng, có thế di sản văn hóa mới có thể tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ. 

KIM ẤN TRIỀU NGUYỄN “HOÀNG ĐẾ TÔN THÂN CHI BẢO”

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại cho hậu nhân một kho di sản khá đồ sộ, trong đó phải kể đến hơn 100 chiếc ấn – những hiện vật tượng trưng cho nền hành chính của nhà nước ta thời kì đó. Trong chuyên mục “Bảo vật Quốc gia” tuần này, mời quí vị và các bạn cùng tôi tìm hiểu về chiếc kim ấn quí giá “ Hoàng đế tôn thân chi bảo”, được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1827. Đây cũng là Bảo vật Quốc gia mới được công nhận vào cuối năm 2021 và hiện đang được bảo quản và niêm phong trong kho của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được đúc vào niên hiệu Minh Mạng thứ 8 (1827), với chức năng là dâng tiến tên hiệu, huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn. Ấn được đúc bằng vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông. Quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Trên lưng ấn có khắc hai dòng chữ Hán cho biết niên đại và trọng lượng quả ấn. Mặt ấn đúc nổi sáu chữ triện: Hoàng đế Tôn thân chi bảo.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN – nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Đây là 1 trong 5 kim bảo được đúc cùng một thời gian vào tháng 10/1827, dưới đời vua Minh Mệnh. Quả ấn này đúc ra mục đích là gì? Để đóng trên các chỉ dụ, mệnh lệnh để truy phong, truy tặng. Đây là một nét rất đặc trưng của triều Nguyễn. Có thể nói, triều Nguyễn nêu cao đạo hiếu."

Dựa vào thông số được khắc trên thành ấn, các nhà khoa học đã tính ra được chính xác chiếc ấn này nặng 8,983kg. Đây có thể coi là ấn vàng có trọng lượng lớn nhất trong bộ sưu tập ấn triện bảo vật hoàng cung triều Nguyễn cũng như của các triều đại phong kiến Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. 

Bên cạnh đó, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mạng nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. 

Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN – nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Đây là một tài sản đặc biệt của lịch sử Triều Nguyễn. Đất nước ta trong giai đoạn kháng chiến thiếu thốn rất nhiều nhưng theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cái đó phải giữ, không được phá. Theo tôi biết, sau cuộc chiến tranh của Nga với phát xít Đức, nhà nước Nga cũng đã phải bán đi một số bức tranh, trong khi đó thì bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc vẫn được lưu giữ, qua đó chúng ta thấy cái giá trị rất là quan trọng, đặc biệt đối với lịch sử”.

Ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được vua Bảo Đại giao lại cho Chính phủ Việt Nam năm 1945 sau thành công của cuộc cách mạng tháng 8/1945. Kể từ thời điểm đó, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được lưu giữ và bảo quản trong nhiều kho và hiện do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đảm nhiệm. 

Ấn từng được giới thiệu tới công chúng duy nhất một lần vào tháng 4/2016 trong một cuộc triển lãm bảo vật Triều Nguyễn tại Hoàng cung Huế. Hi vọng, trong một tương lai gần, người dân có thể chiêm ngưỡng cận cảnh chiếc ấn quí giá này ngay tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, để cùng cảm nhận những giá trị lịch sử nổi bật của một vương triều phong kiến không quá xa.

PHỐ HIẾN - DẤU ẤN HƯƠNG CẢNG NAY CÒN ĐÂU

“Thứ nhất Kinh Kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”, đôi câu thơ được lưu truyền trong dân gian này như một lời khẳng định sự tồn tại của hai trung tâm chính trị - kinh tế của nước ta vào khoảng thế kỉ 17-18. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, mảnh đất Kinh Kỳ - Thăng Long đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn luôn là một trung tâm chính trị - kinh tế sầm uất. Thế nhưng Phố Hiến ngày nay đã gần như không còn lưu giữ chút bóng hình nào của một hương cảng sầm uất của ngày xưa.

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, cái tên Phố Hiến có xuất xứ từ chữ Hiến của Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 17, Phố Hiến mới trở thành một trung tâm chính trị – kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế. Thời điểm này, ở Phố Hiến có lị sở của trấn thủ xứ Sơn Nam, Ty Hiến sát xứ Sơn Nam, các trạm tuần ty kiểm soát thuyền bè trong ngoài nước, một đoạn sông tấp nập các thuyền bè đi lại và đỗ bến, những chợ phố đông đúc, các thợ thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây.

Bà NGUYỄN THỊ TỐ UYÊN – Ban Quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên: “Tấm bia đá lưu giữ tại chùa Chuông năm 1711 đã từng nói rằng, Phố Hiến trước kia, vào cuối thế kỉ 16 đầu thế kỉ 17, là trung tâm thương mại lớn tại Đàng Ngoài, là một đô thị sầm uất và phồn thịnh, là đầu mối giao thông quan trọng trên trục sông Hồng. Đây cũng là tiền cảng của kinh thành Thăng Long. Và như tấm bia lưu giữ tại chùa Hiến được dựng năm 1625 cũng nói rằng, đây là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương và cũng là trụ sở Ty Hiến sát xứ Sơn Nam được đặt tại đất Hoa Dương.”

Từ những chứng cứ của lịch sử, hình ảnh Phố Hiến xưa hiện lên là một hương cảng vô cùng sầm uất. Kết cấu của Phố Hiến bao gồm một bến cảng sông, tập hợp chợ, khu phố phường và hai thương điểm phương Tây của người Hà Lan và Anh. Phố Hiến là nơi trung chuyển, cửa ngõ án ngữ, thông thương của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới kinh thành Thăng Long, qua các tuyến sông Đáy, sông Hồng, sông Thái Bình. Nơi
đây, tàu bè đi lại ngược xuôi và muốn cập cảng phải được cấp phép thông qua Ty Hiến sát xứ Sơn Nam.

Bà NGUYỄN THỊ TỐ UYÊN – Ban Quản lý Di tích tỉnh Hưng Yên: “Trước kia thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở đây rất đông, trước tiên là Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và đặc biệt là vai trò quan trọng của người Trung Quốc. Họ đến đây từ thế kỉ XIII và hiện nay còn rất nhiều công trình mang hoàn toàn kiến trúc của Phúc Kiến như Thiên Hậu Cung, Đông Đô Quảng Hội. Hiện nay, dấu tích của Phố Hiến còn lại chỉ là hệ thống của các di tích lịch sử thể hiện Phố Hiến phồn thịnh, vang bóng một thời.”

Về Phố Hiến của hiện tại, điều mà du khách có thể cảm nhận được chính là sự tĩnh lặng, yên bình đặc trưng của các vùng quê. Dọc trên hành trình khám phá Phố Hiến ngày nay, chúng ta sẽ chỉ có thể tham quan những điểm di tích gắn với giá trị văn hoá, lịch sử nhất định, còn bóng dáng của một hương cảng sầm uất đã không còn. Đôi câu thơ “Thứ nhất Kinh Kỳ - Thứ nhì Phố Hiến” khi nhắc lại trong không gian này có lẽ mang theo cả sự tiếc nuối.

Linh Chi – Hải Linh