Di sản trăm năm ở Hà Nội "kêu cứu" vì cách bảo quản

Hiện nay việc quản lý các di tích, di sản của đất nước đã được phân cấp phân quyền rõ ràng, trong đó phần lớn là thuộc quyền quản lý cấp xã, nơi gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác bảo quản, phát huy giá trị di sản thì cũng có nơi lại phải loay hoay tìm cách bảo quản những di sản đó, mà nguyên nhân là bởi thiếu sự hướng dẫn.

Đây là chiếc tủ mà chính quyền xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội dùng để bảo quản tạm thời bộ mộc bản Cổ Kim Truyền lục – một di sản quí của làng Hạ Mỗ, được nhân dân nơi đây hết sức trân trọng. Thế nhưng, đây chắc chắn không phải là chiếc tủ đạt chuẩn để bảo quản, và dù chính quyền xã Hạ Mỗ rất muốn thay một chiếc tủ bảo quản khác nhưng việc bảo quản cần một chiếc tủ như thế nào thì các cán bộ nơi đây vẫn chưa tìm hiểu được.

Ông NGUYỄN XUÂN VIỆT  - Công chức văn hóa xã hội xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội: ”Bản thân tôi rất là sốt ruột và cũng đã ra Viện nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia để hỏi về cái quy cách bảo quản như thế nào, có cần cái tủ đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm để làm sao giữ được mộc bản này trường tồn với thời gian hay không? Nhưng mà cũng chưa có cơ quan nào hướng dẫn cho chúng tôi về cái tủ đấy phải có tiêu chuẩn thế nào? Và như anh chị thấy thì ở đây chúng tôi bảo quản rất là sơ sài.”

Theo lịch sử của làng thì bộ mộc bản này được khắc từ năm 1907 thông qua Lễ Đồng giáng bút, bao gồm 500 bài thơ, ca về tình yêu quê hương đất nước. Với hơn 100 năm tồn tại, việc người dân làng Hạ Mỗ thu thập, lưu giữ được trọn vẹn tất cả các ván khắc đã là một việc khó, nhưng còn khó hơn nữa khi qua thời gian, những ván khắc đã có hiện tượng mục ruỗng bởi chưa được bảo quản đúng cách. Thậm chí, đã có những bản khắc, mục đã ăn vào chữ.

Ông NGUYỄN XUÂN VIỆT - Công chức văn hóa xã hội xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội: ”Với cái thời tiết của Việt Nam thì cái bộ mộc bản này ngày một xuống cấp và chúng tôi đang rất là sốt ruột. Cũng mong là các cơ quan có chuyên môn hướng dẫn cho chúng tôi về cách thức bảo quản và cách thức để kiểm kê đánh số để đưa vào lưu trữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.”

Ông NGUYỄN TỎA - Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội: ”Sau đợt kiểm kê các di sản quý hiếm của Thành phố, tôi nhớ là có một lần đồng chí Phó giám đốc Sở nội vụ có nói là cần phải nghiên cứu để có một cơ sở bảo quản cho tốt, thành phố sẽ giúp cho địa phương phương pháp. Thế nhưng mà từ đó đến nay thì cũng chưa có, chúng tôi nghĩ rằng nếu mà chúng ta không giữ được bộ mộc bản này thì thật sự là rất đáng tiếc.”

Năm 2018, Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch kiểm kê di sản mộc bản tại các di tích trên địa bàn thành phố, trong đó có bộ mộc bản Cổ Kim Truyền lục. Tuy nhiên sau gần 4 năm, chính quyền địa phương xã Hạ Mỗ vẫn đang loay hoay cách thức để bảo quản bộ mộc bản này chỉ vì thiếu hướng dẫn. Cũng theo chia sẻ của chính quyền xã, sắp tới chính quyền địa phương sẽ đề đạt hồ sơ lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để công nhận mộc bản Cổ Kim Truyền lục là Di sản Ký ức cấp Quốc gia, với hi vọng khi được trao danh hiệu thì giá trị di sản mới có thể nhận được sự quan tâm đúng mức. 

Anh Thư