• 1297 lượt xem
  • 05:13 18/02/2022
  • Văn hóa

Đến Hoàng thành Thăng Long trải nghiệm nghi lễ Tiến lịch phong cách cung đình Nhà Lê

Đón Tết Nhâm Dần 2022, Hoàng thành Thăng Long không mở cửa đón khách nhưng các nghi lễ vẫn được tái hiện để phục vụ công chúng qua hình thức trực tuyến. Lần đầu tiên Khu di sản thực hành nghi lễ Tiến lịch - 1 nghi lễ quan trọng trong cung đình nhà Lê. Bên cạnh đó, nhiều nghi thức, nét văn hoá đón Tết truyền thống của người Việt cũng đã được tái hiện mang tới nhiều thông điệp cho giới trẻ.

Phất thức, phong ấn, tiến lịch, lễ cúng ông Công ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu là những nghi thức  được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về để “Tống cựu nghinh tân”. Cũng theo tục lệ, trước đây chỉ khi nghi lễ trong hoàng cung kết thúc, dân chúng mới tiến hành nghi lễ này tại tư gia.

Lễ dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, đây cũng là nghi lễ quan trọng của cung đình. Khi cây nêu dựng lên báo hiệu mùa Xuân đã về, mọi công việc triều chính tạm dừng. Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật. Cây nêu được xem là cây vũ trụ, là biểu tượng tồn tại trong nhiều nền văn hóa Á Đông, tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh. Phong tục tốt đẹp này mới được khôi phục mấy năm gần đây và được coi là một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất Hà thành trong những ngày Tết Nguyên đán

Thể nghiệm hoạt động tiến lịch là điểm nhấn quan trọng trong sự kiện tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc tại Hoàng Thành Thăng Long chào đón xuân Nhâm Dần do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội  phối hợp với  Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên tổ chức. Với 2 nội dung: Trưng bày tranh vẽ phỏng dựng không gian nghi lễ tiến lịch với mô hình phỏng dựng hiện vật bìa sách ngự lịch, quan lịch và qui trình biên soạn, san khắc, in ấn, đóng quyển lịch và thực hành nghi lễ Tiến lịch tại không gian sân điện Kính Thiên. Nghi lễ được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, gồm các hoạt cảnh chính: Nghi thức các quan vào chầu; Nghi thức quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch; Nghi thức quan Truyền chế đọc chế; Nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch… 

Ông NGUYỄN THANH QUANG - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội: Về chủ đề năm nay Hoàng Thành chúng tôi làm có 2 lý do: thứ nhất Lễ tiến lịch là lễ rất quan trọng các vua của chúng ta từ hàng nghìn năm nay, đây là lễ rất quan trọng nó đánh dấu cho một kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới, mùa xuân mới. Lễ tiến lịch có ý nghĩa rất quan trọng, vua và hoàng gia dùng lịch đó để mà điều hành triều chính …. Thứ 2 là đối với nhân dân chúng ta , đất nước ta là nước nông nghiệp cho nên lịch gắn liền với hoạt động sản xuất của nhân dân. Xem các lịch sẽ điều tiết được các công việc để cho mùa màng bội thu. Với hoạt động như lễ tiến lịch, đây là hoạt động hết sức quan trọng trong ngày tết của các ông cha ta ngày xưa để lại nên Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long tái hiện lại lễ Tiến lịch để cho công chúng được hiểu hơn về các hoạt động tết xưa của các bậc tiên đế Lý, Trần, Lê và sau này. .. đây cũng là nhiệm vụ mà trung tâm chúng tôi phải làm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long”

Chương trình thể nghiệm thực hành nghi lễ cung đình- Lễ Tiến lịch được chuẩn bị công phu. Từ trang phục cho đến cách thể hiện của các diễn viên tái hiện lại vua, quan ngày xưa trong thực hiện nghi lễ đã cho thấy sự chỉn chu, kỹ lưỡng ở việc nghiên cứu, chuẩn bị của các đơn vị tổ chức. Cũng như những tín hiệu đáng mừng trong việc giới trẻ đã có sự quan tâm, tìm hiểu và cả thích thú với các nghi lễ truyền thống của dân tộc

Ông NGUYỄN ĐỨC LỘC - Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên: Có thể nói về phần trang phục Ỷ Vân Hiên đã nghiên cứu rất nhiều thời gian và thực hiện trong nhiều tháng để có thể tái hiện được những bộ quan phục, bộ nghi lễ thời nhà Lê, ví dụ quan phục theo các phẩm cấp, rồi các bộ tử, mũ mão, cân đai , hi hài đều được thực hiện mới 100%. Có thể nói quan phục thời Lê, 1 trong những dấu ấn đặc trưng nhất của HTTL HN đã được tiến hành làm một cách tương đối, phỏng dựng tương đối chỉn chu, từ phom dáng trang phục cho đến bộ tử, vuông vải trên áo cũng thể hiện phẩm cấp của quan nên tham gia nghiên cứu thiết kế mất rất nhiều thời gian…”

Nhà Sử học LÊ VĂN LAN: “Các bạn trẻ bây giờ, giới trẻ tương lai của đất nước đang có sự phân tán. Phân tán từ ý thức , nguyện vọng, phân tán từ sinh hoạt vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí là phức tạp nhưng ở đây hôm nay tôi được chứng kiến các bạn trẻ trong vai trò của những nhân vật ở thời Lê, chủ yếu thời Lê và các bạn đã tra cứu kỹ lưỡng cuốn sách nổi tiếng. Tôi rất mừng các bạn đã có sự tập trung vào lĩnh vực của tinh thần dân tộc, của văn hoá văn minh truyền thống như vậy. Những kỳ vọng về giới trẻ bây giờ qua cuộc trình diễn hôm nay đã trả lời rằng, các bạn vẫn tha thiết với lịch sử, với dân tộc và với văn hoá của các bậc tiền bối, của ông cha . Ở lát cắt thời gian bây giờ các bạn vẫn hướng về những điều có giá trị truyền thống như thế để tiếp nối để phát huy rồi truyền lại cho các bạn trẻ và các thế hệ tiếp theo nữa…”

Nếu lễ dựng nêu hay màn trình diễn tái hiện Lễ Tiến lịch mang lại những kiến thức  về lịch sử, những cảm xúc của sự lạ lẫm và bất ngờ về quá khứ của dân tộc thì bước vào không gian  trưng bày phong tục Tết truyền thống, mô tả không khí chuẩn bị đón Tết, phong tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết...tại Hoàng thành Thăng Long lại mang tới một cảm giác thân thuộc. Bánh chưng, cành đào, câu đối đỏ, cúng gia tiên hay xin chữ đầu năm đều là những hình ảnh và công việc quen thuộc của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi tết đến. Để cảm xúc dẫn dắt qua từng gian trưng bày người xem dù theo dõi trực tuyến hay qua truyền hình cũng sẽ có cảm giác bồi hồi. 

Trong không gian văn hoá tái hiện này, sự xuất hiện của nhà sử học Lê Văn Lan và nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo (Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh) tạo thêm sức hấp dẫn và thỏa mãn trí tò mò của người theo dõi. Nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo là một trong số rất ít người hiện nay có khả năng khắc các mộc bản kinh Phật cổ, sách cổ. Tại không gian tái hiện của Hoàng thành Thăng Long, nghệ nhân  Nguyễn Văn Thạo say mê giới thiệu và trình diễn kỹ thuật khắc ván độc đáo và cổ xưa, một công đoạn quan trọng trong quy trình làm sách, làm lịch của triều đình xưa. Tiếp nối mạch kể, nhà sử học Lê Văn Lan cũng chia sẻ về quy trình biên soạn, phê duyệt, san khắc và đóng ấn lịch của triều đình nhà Lê. Ông kể chuyện về phong tục Tết truyền thống của dân tộc như không khí chuẩn bị Tết, treo câu đối, tranh Tết, chúc Tết, mừng tuổi, xin chữ đầu năm...Những thông tin bổ ích và ý nghĩa…

Nhà Sử học LÊ VĂN LAN: Cho đến thế kỷ 18, 19 thì chúng ta đã có nhiều trung tâm sản xuất tranh tết, đó là những tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, in ấn dân gian.. dùng cho phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ và tư tưởng của toàn dân từ Bắc chí Nam. Nhu cầu đó ảnh hưởng về tư tưởng hướng về đó một mùa xuân, một cái tết an bình tốt lành và nếu được giầu sang nữa, sung túc nữa thì càng tốt. Cho nên việc làm tranh, bán tranh, mua tranh ,treo tranh trong ngày tết nó là một bổn phận không thể thiếu trong việc thực hành tết, trong việc tôn giáo, đạo tết của dân tộc. Thể hiện và truyền bá những mong ước, những hy vọng và cả những giá trị rất nhân văn cuộc sống của dân tộc và của nhân dân”

Việc nghiên cứu, tái hiện nghi Lễ Tiến lịch cũng như các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long, nét văn hóa đón xuân của dân tộc Việt Nam một cách chân thực và hấp dẫn thực sự mang nhiều ý nghĩa, khơi gợi những mạch nguồn văn hóa truyền thống, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đương đại, từ đó khích lệ sự quan tâm của các bạn trẻ đối với văn hóa dân tộc. Trong điều kiện thích ứng và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, khu di sản Hoàng thành Thăng Long chưa mở cửa đón khách tham quan nhưng các hoạt động nghi lễ tại đây trong dịp Tết vẫn diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống và được ghi hình quảng bá, trưng bày trực tuyến phục vụ đông đảo du khách gần xa. Bên cạnh trách nhiệm và tâm huyết của những người làm công tác di sản là những kỳ vọng về sự lan toả những nét đẹp văn hoá truyền thống của đất nước trong bộn bề những hối hả và đổi thay của hiện tại.

Nhật Thảo