Đề xuất tăng giờ làm thêm của người lao động từ 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng

Chiều 10/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình và Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời gian làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ: Từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ; và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 01 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động.

Về thời gian áp dụng: Do dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh “đặc biệt” và “cấp bách”; nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019, nên về nguyên tắc, việc thực hiện chính sách tại dự thảo Nghị quyết chỉ nên thực hiện trong một thời gian ngắn, thích hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách, cấp thiết. Vì vậy, đề xuất thời gian áp dụng chính sách này là kể từ thời điểm Nghị quyết được ký ban hành đến thời điểm hết hiệu lực của Nghị quyết 30/2021/QH15.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, trong khi cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch COVID-19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của người lao động. Do đó đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát, đặc biệt là đối với phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và những người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Về đề xuất nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng từ không quá 40 giờ lên 72 giờ; Qua thẩm tra đa số ý kiến đều nhận thấy đề xuất này chưa có đầy đủ cơ sở khoa học; việc tăng này là quá cao, tăng thời giờ làm việc sẽ có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, đi ngược với xu hướng tiến bộ. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ, và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ.

Làm rõ cơ sở đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng và trong năm

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn; Đồng thời thống nhất, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này theo trình tự, thủ tục rút gọn là có cơ sở và phù hợp. Tuy nhiên đối với nội dung của các đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ cơ sở để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tăng giờ làm thêm trong tháng và trong năm.

Các ý kiến phát biểu đều nhất trí việc cần thiết mở rộng phạm vi ngành, nghề, công việc áp dung thời gian làm thêm 300 giờ trong 01 năm. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và quy định theo hướng loại trừ các đối tượng người lao động, các ngành nghề, công việc không được áp dụng.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Về mở rộng 300 nên áp dụng nhưng không áp dụng đối với mọi ngành nghề trường hợp như Chính phủ đề nghị mà phải loại trừ những ngành nghề độc hại nguy hiểm, người lao động chưa thành niên, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai…để thể hiện sự nhân văn."

Mặc dù mức tăng thời gian làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên 72 giờ là quá cao, tăng 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đây là Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh “đặc biệt” và “cấp bách” do đó đòi hỏi cần thay đổi tư duy và mạnh dạn áp dụng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Đây là mức quy định tối đa, tức được phép thỏa thuận làm tối đa ở mức này, hai bên có thể thỏa thuận làm thêm 40 giờ/tháng, 45 giờ/tháng, 50 giờ/tháng và tối đa là 72 giờ căn cứ vào sức khỏe điều kiện của người lao động, và phải đảm bảo thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt, đảm bảo điều kiện sức khỏe làm việc lâu dài cho người lao động và được trả công xứng đáng.”

Tuy nhiên để thực hiện được quy định này thì còn nhiều vấn đề cần quan tâm để bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động với bối cảnh đặc biệt hiện nay.

Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: “Hiện doanh nghiệp rất thiếu lao động, làm trên tinh thần thỏa thuận. Chế độ tiền lương ngoài giờ, tư nhân đã làm nhiều, thậm chí tăng 2,3 lần.”

Ông TRẦN VĂN THUẬT, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Người lao động giảm sút, đề nghị Chính phủ bổ sung biện pháp mang tính đồng bộ, cơ chế bảo đảm, chế độ phúc lợi, tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát.”

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các đề xuất tại dự thảo Nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến đầy đủ các đối tượng chịu tác động, qua đó ghi nhận việc tăng giờ làm thêm là mong muốn có thật của các doanh nghiệp và một bộ phận lớn người lao động. 

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Luật quy định tối đa ngày làm không quá 12 tiếng/ngày tức là làm thêm tối đa 4 tiếng/ngày. Nếu làm thêm tối đa 72 giờ/tháng tức là tăng thêm hơn 50% mức tối đa pháp luật cho phép trong điều kiện bình thường. Để quy định mức tối đa này, Bộ đã căn cứ, tính toán kỹ lưỡng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và đều nhận được sự đồng thuận."

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trong thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp thẩm tra tốt, về cơ bản nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện (nếu có) trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra; đảm bảo việc làm thêm giờ phải được sự đồng thuận của người lao động trên tinh thần tự nguyện./.

Anh Đức