Đề xuất sở hữu có thời hạn: Cuộc "cách mạng" trong cải tạo chung cư cũ

Một trong những điểm mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) là đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn. Theo một số đại biểu nếu không đặt quy định này thì vẫn tiếp tục không giải quyết được bài toán cải tạo chung cư cũ.

Một số đại biểu cho rằng nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư để đảm bảo an toàn cho người dân khi hiện nay nhiều chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng rất khó khăn trong công tác di dời để xây dựng lại.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội: "Dự thảo luật có quy định thời hạn sử dụng chung cư, đây quả thật là một cuộc cách mạng trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Nhưng quan trọng hơn, về sâu xa, quy định này sẽ giúp mọi người dân có cơ hội tiếp cận nhà chung cư tốt hơn".

Ông LÊ ĐÌNH VINH, Giám đốc công ty Luật VIETTHINK: Nếu luật đi vào thực thi sẽ đặt ra câu chuyện những dự án chung cư đã được phê duyệt và triển khai xây dựng trước đây đang vận hành thì quy định như nào về sở hữu. Nếu chúng ta quy đồng tất cả về sở hữu có thời hạn thì động chạm lợi ích sở hữu của những người đang sở hữu nhà hợp tác hiện nay. Ngược lại nếu bây giờ quy định nhà chung cư có thời hạn và không có thời hạn thì rất bất cập về quản lý cũng như sự không bình đẳng giữa các chủ sở hữu nhà chung cư và giữa chủ đẩu tư nhà chung cư”

Một số doanh nghiệp cho rằng không nên hạn chế quyền sử dụng nhà chung cư bởi điều này sẽ tác động đến tâm lý của người dân cũng như biến động thị trường khi người dân sẽ chuyển từ mua chung cư sang mua đất.

Ông TRẦN ĐẠO ĐỨC, Phó tổng Giám đốc CEO: “Nhà chung cư là loại hình phù hợp với đô thị và thành phố, góp phần tiếp kiệm tài nguyên và quỹ đất. Ở góc độ thị trường, việc xác định thời hạn sở hữu sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản”.

Với quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể tuỳ theo vị trí và quy mô của dự án để xác định phần trăm này cho hợp lý cùng với đó nên giao cho UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Ông ĐỖ VĂN CHIẾN, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Một dự án quy mô nhỏ bắt buộc phải trích 20% để nhà ở xã hội trong khi vị trí đất giá trị rất là cao thì làm khó cho chủ đầu tư. ”

Đại diện Tập đoàn Sun Group: “Bên cạnh nhà ở thương mại lẫn nhà ở xã hội không hợp lý, vì vậy theo tôi nên để UBND cấp tỉnh căn cứ vào chỉ tiêu đất ở để bố trí 1 chỗ khác cho nhà ở xã hội”.

Từ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, một số đại biểu kiến nghị được giữ nguyên hình thức điều tiết nhà ở xã hội theo chấp thuận ban đầu hoặc được lựa chọn 01 trong 03 hình thức: trực tiếp dành 20% quỹ đất ở trong dự án để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%; hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội. /.

Trương Tùng