Đề xuất 3 trường hợp được thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ

Dự án luật Thanh tra sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4 và tháng 10 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm là về đề xuất thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật mới đây, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới. Đồng thời, để việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được chặt chẽ hơn, đề nghị quy định rõ trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập.

Cụ thể: Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập trong 3 trường hợp:

(1) Theo quy định của luật;

(2) Tại các tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

(3) Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vì vậy, sau khi luật này có hiệu lực thi hành, không phải ở tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra.

Vũ Hiếu