Để kỳ họp bất thường trở thành bình thường

Chiều 24/10, thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức kỳ họp bất thường không chỉ để giải quyết những vấn đề cấp bách, gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội mà còn nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp của Quốc hội, dự án luật cũng như các phiên chất vấn.

Tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và quan tâm cho ý kiến vào việc tổ chức kỳ họp bất thường bên cạnh kỳ họp thường lệ, kéo dài thời gian phiên họp thảo luận; đẩy nhanh thời gian gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội; biểu quyết tại Kỳ họp...

Bà NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Trong Nghị quyết cần quy định rõ việc tổ chức Kỳ họp bất thường chỉ để dành giải quyết, quyết định những vấn đề, nội dung cấp bách, cần giải quyết ngay. Chứ không nên tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề mà đáng lẽ ra cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ trình ở kỳ họp thường lệ.”

Cũng theo một số đại biểu việc tổ chức kỳ họp bất thường không chỉ để giải quyết những vấn đề cấp bách, gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội mà còn nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng dự án Luật nói riêng và để những kỳ họp bất thường trở thành bình thường, gắn với ý thức trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khi tham gia thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật.

Bà PHẠM THUÝ CHINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: “Việc tổ chức kỳ họp bất thường bên cạnh kỳ họp thường lệ cũng góp phần cải tiến hoạt động chất vấn của Quốc hội….”

Đối với phần tranh luận của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, một số đại biểu cho rằng, chỉ nên tận dụng thời gian tranh luận để cần làm rõ những nội dung, vấn đề mà đại biểu trước đó đã nêu, chứ không nên phát biểu ý kiến về nội dung mà đại biểu chuẩn bị. Đối với thời gian cho phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng không nên kéo dài quá 30 phút.

Phạm Kiên