Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cho 3 chương trình mục tiêu Quốc gia

Ranh giới giữa người nghèo, người cận nghèo và người mới thoát nghèo trên thực tế hết sức mong manh, một cú sốc nhỏ, kể cả ốm đau, thất nghiệp, mất việc làm cũng có thể làm cho người mới thoát nghèo trở lại nhóm nghèo hoặc rơi vào hoàn cảnh quẫn bách, khó khăn. Chính vì vậy, việc đảm bảo mục tiêu bền vững trong thực thi các chính sách xã hội là hết sức quan trọng để đạt mục tiêu phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng công tác giảm nghèo còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó 3 chương trình mục tiêu Quốc gia mặc dù đã được thông qua từ sớm nhưng đến nay gần như vẫn “ dậm chân tại chỗ”. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm đẩy mạnh nội dung này.

Ông PHẠM HÙNG THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương từ khá sớm, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn được Quốc hội thông qua từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV. Nhưng cho đến nay, việc triển khai phân bổ vốn chỉ vừa mới được quyết định ngay trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 3. Cử tri rất quan tâm và mong muốn Chính phủ khẩn trương hơn nữa đối với 3 chương trình mục tiêu này nhằm hỗ trợ không chỉ cho từng hộ gia đình mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ.”

Bà PHẠM THỊ KIỀU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, cần có giải pháp toàn diện, lâu dài và một số những giải pháp đó là: Chính phủ cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, gắn chặt chẽ với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo tổng thể công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.”

Cũng theo một số đại biểu, việc chậm triển khai thực Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bào dân tộc số và miền núi làm ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng là người dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ kịp thời. 

Ông K’NHIỄU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Các Bộ, ngành liên quan, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao. Đặc biệt, việc ứng dụng, chuyển giao mô hình khoa học công nghệ để ưu điểm trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”

Ông NGUYỄN TẠO, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chú trọng đến việc giải quyết cơ chế, thủ tục cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ba chương trình mục tiêu quốc gia về Chương trình nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình thực hiện Nghị quyết 88 phát triển kinh tế đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.”