Đầu tư xứng tầm cho giáo dục và đào tạo để thầy cô sống được bằng nghề

Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục và bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà phân tích, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ, việc tiếp tục cắt giảm trong giai đoạn tới, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học ở miền núi. Mặt khác, dư địa xã hội hóa giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không nhiều, nên đại biểu đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Bà LÊ THU HÀ
ĐBQH tỉnh Lào Cai 
“Đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi vùng cao. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I. Theo đó, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2016 theo hướng có chế độ hỗ trợ cho học sinh ở xã khu vực I mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10 kg gạo/tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”

Nhiều đại biểu cho rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý nên cũng phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương của mình.

Ông NGUYỄN VĂN CẢNH
ĐBQH tỉnh Bình Định
“Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người. Chính sách thì phải đi với ngân sách, theo quy định của ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách. Vì vậy, tôi đề nghị nếu chế độ cho giáo viên được ưu tiên hàng đầu thì đầu vào của sư phạm sẽ là những em học giỏi hàng đầu ở các trường phổ thông, có hạnh kiểm tốt. Tôi đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hằng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách.”

Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, mức chi cho hoạt động giáo dục tối thiểu 20% so với tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục chưa bao giờ đạt, như năm 2021 chỉ đạt 17,3% và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 17,4 - 18,5%.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA
ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
“Cần tăng cường đầu tư cho GD&ĐT cần bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp các khoản có tính chất tối đa phải là 81%. Như vậy, đối với các địa phương có tỷ lệ dân số thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả nước thì chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu là 20%."

Từ thực tế ở các địa phương, đại biểu đề xuất, Quốc hội và Chính phủ cần có sự cân đối, bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục và đào tạo không dưới 20% theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Ưu tiên bố trí sắp xếp các chương trình, đề án, dự án của ngành giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên phục vụ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.