Đầu tư thoả đáng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho y tế cơ sở

Cho ý kiến về việc chi 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc phân bổ nguồn vốn, đặc biệt là có chính sách đủ mạnh để thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng.

Chỉ ra thực trạng y tế cơ sở trong đại dịch vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, kể cả ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng việc đầu tư cho y tế cơ sở cần được tính toán một cách kỹ lưỡng bởi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chính là đầu tư cho phục hồi và phát triển kinh tế. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Cần tính toán kỹ việc đầu tư cho y tế cơ sở bởi đặt trong từng điều kiện cụ thể thì dân số cũng như điều kiện đặc thù của từng địa phương là khác nhau. Bên cạnh đó, cần đầu tư về con người, nhân viên y tế ở thành phố lớn xin nghỉ, đây là vấn đề rất lớn, vậy lực lượng như thế nào, chế độ chính sách như thế nào, chúng ta phải nhìn chương trình phục hồi kinh tế gắn với việc này”.

Bà Đỗ Thị Lan - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Tán thành với ý kiến của đại biểu thắng, hiệ nay các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, thiếu nhân lực y tế, nhiều người có áp lực muốn nghỉ, cần có chính sách thu hút bác sỹ vào chỗ này. Liên quan đến 14 nghìn tỷ, năm 2021 chưa giải ngân được, vậy thì năm 2022 có giải ngân này được, nếu không giải ngân được đề nghị cũng đưa ra, cần rà soát có trọng tâm trọng điểm”.

Nhấn mạnh mạng lưới y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì tuyến y tế cơ sở càng phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện các biện pháp phòng dịch, rà soát, giám sát, điều tra, truy vết những trường hợp về từ vùng dịch kịp thời cách ly y tế, do vậy đại biểu đề nghị cần phân bổ tính toán nguồn lực một cách hợp lý, để nguồn lực đến đúng nơi cần. 

Ông Đặng Thuần Phong - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Y tế cơ sở, đầu tư cho y tế cơ sở thì tôi đồng ý, còn đầu tư của các bệnh viện tuyến trung ương thì theo ngân sách trung ương hàng năm”.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Về y tế cơ sở ở phía nam thì cần phải nhìn tổng thể, để giúp cho các nơi chịu tác động nhiều có thể phục hồi phát triển kinh tế”. 

Ông Nguyễn Tân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Y tế cơ sở cần đánh giá lại y tế cơ sở, thời gian qua y tế cơ sở chưa được chú trọng đến y tế cơ sở nên khó thu hút, theo tôi cần có đề án riêng và mạnh về y tế cơ sở”.

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách, đồng thời, tính toán một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình./.