Đấu giá tần số vô tuyến điện: Nhạy cảm, dễ mất cán bộ

Thảo luận về vấn đề đấu giá tần số vô tuyến điện trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức sáng 8/5, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xác định cụ thể việc đấu giá đối với băng tần. Đối tượng ưu tiên cần phải được bảo đảm quyền lợi theo quy định của Nhà nước.

Theo các đại biểu, 10 năm qua không tổ chức được đấu giá tần số vô tuyến điện mà chỉ có chỉ định, do đó, cần quy định chi tiết trong dự luật để thuận lợi áp dụng vào thực tế.

Ông TRẦN VĂN KHẢI - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: "Đấu giá rất nhạy cảm, không làm cẩn thận rất dễ mất cán bộ, cho nên trong dự luật cần nghiên cứu chặt chẽ hơn, các quy định, tiêu chí nguyên tắc rõ ràng hơn, tránh lợi ích nhóm, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như nguyên tắc cạnh tranh.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Quàng Văn Hương cũng đề nghị việc cấp phép đấu giá, cần rõ cơ chế quản lý để đảm bảo chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số

Ông QUÀNG VĂN HƯƠNG - Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc:Chúng ta đấu giá như vậy thì các đối tượng, các doanh nghiệp tham gia, nhưng nếu chúng ta đấu giá thì bắt buộc phải hạ giá để có giá hợp lý. Việc gắn với trách nhiệm của đối tượng ưu tiên nếu như đối tượng ưu tiên được sử dụng thông qua đấu giá thì cần phải rõ cơ chế quản lý cách thức, trách nhiệm như thế nào để bảo đảm quyền cho đối tượng ưu tiên, không nhiều khi không đảm bảo chất lượng, nhất là tại vùng sâu vùng xa. Cần phải làm rõ hơn trong cơ chế thực hiện thời gian tới và đề nghị chính phủ làm rõ nội dung này”.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, hiện chỉ có băng tần di động, những kênh tần có giá trị thương mại cao khi vượt quá nhu cầu phân bổ thì mới đem ra đấu giá, thi tuyển. Nếu kênh tần thương mại mà nhu cầu không có thì bộ không đấu giá thi tuyển còn băng tần (tần số di động) thì đương nhiên thi tuyển. Do đó, bộ đã đưa ra những quy định về đấu giá cho phù hợp, ưu tiên đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần triển khai công nghệ 5G, 6G trên diện rộng, trong phạm vi ngắn.

Ông PHẠM ĐỨC LONG - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Nếu chúng ta chỉ đấu giá không thì không có tiền để làm, người ta chỉ làm ở khu vực trung tâm thôi còn người ta không làm ở khu vực vùng sâu vùng xa, còn thi tuyển là phải triển khai trong diện rộng, cả vùng sâu vùng xa. Nếu như chúng ta không thi tuyển, người ta chỉ làm ở khu vực trung tâm thôi vì khu vực này có nhiều lợi nhuận cao, còn khi nào phải thi tuyển là do Thủ tướng chính phủ quy định”.

Đối với việc đấu giá, tuy không yêu cầu đi vào những vấn đề kỹ thuật bởi không phù hợp trong luật và thực tiễn vốn thay đổi rất nhanh nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, Quốc hội cũng sẽ ràng buộc một số vấn đề để các quy định phù hợp với thực tế triển khai và quan trọng hơn, thông qua việc đấu giá, các doanh nghiệp có thể phát huy các giá trị công nghệ mới trong tương lai.

Ông LÊ QUANG HUY, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Trong các hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tiền đấu giá cũng chỉ là một phần thôi, không phải lớn như chúng ta nghĩ, cái lớn ở đằng sau chính là sau khi sử dụng cái đó thì các doanh nghiệp viễn thông bắt đầu sử dụng các tần số đó để phát huy bằng các ứng dụng, lúc đấy mới là ý nghĩa lớn, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ mới đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho rằng, trong thời gian tới, vẫn nên áp dụng các phương thức đấu giá như pháp luật hiện hành, còn đối với hình thức đấu giá xoay vòng như quốc tế đang áp dụng, trong quá trình triển khai nếu thấy cần thiết và có tính đặc thù thì sẽ tiếp tục tính toán cho phù hợp.

Bích Hạnh