Đấu giá tần số vô tuyến điện: Công nghệ phát triển nhanh chóng, nhưng thủ tục còn phức tạp

Sáng 28/7, tại Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo Lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban, chủ trì hội thảo.

Luật Tần số Vô tuyến Điện 2009 có quy định cụ thể 3 phương thức cấp phép sử dụng tần số là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Thực tế tham khảo tại 132 quốc gia cho thấy, xu hướng lựa chọn đấu giá là chủ đạo, với 78 nước đã tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, Việt Nam, qua hơn 10 năm triển khai Luật Tần số vô tuyến điện, vẫn chưa tổ chức đấu giá được tần số nào. Bởi đây là loại tài sản đặc biệt, công nghệ phát triển nhanh chóng, nhưng thủ tục đấu giá phức tạp, dẫn đến đấu giá kéo dài, không thành công.

Bà NGUYỄN THỊ TÂM, Phó TGĐ Tổng Công ty Mạng lưới – Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội: “Đối với tần số di động, đầu tiên xác định nếu nhu cầu lớn thì tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, sau khi chúng ta đấu giá, nhu cầu thể hiện thực tế hơn, như nhu cầu ít hơn khả năng cung cấp thì chúng ta có phương thức chuyển đổi sang thi tuyển để tránh việc đấu giá không thành công, kéo dài, không cấp phát, phân bổ được tần số.” 

Tại Việt Nam, thông tin di động từ 2G đến 4G đã phủ sóng đến 99,8% dân số với hơn 300.000 trạm phát sóng di động trên cả nước. Do đó, cơ chế đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi giấy phép hết hạn sử dụng được nhiều đại biểu đề cập. Dự thảo lần này quy định, trong thời hạn 3 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hạn, tổ chức có nhu cầu được cấp lại phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét cấp lại.

Ông NGUYỄN HỒNG SƠN, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam: “Thời hạn 3 năm này có thể có doanh nghiệp có quan điểm chưa hoàn toàn đồng thuận, vì người ta cũng cần có những quy hoạch về thời gian sử dụng để triển khai mạng lưới. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của thị trường và mạng lưới công nghệ rất nhanh hiện nay, chúng tôi cho rằng thời gian 3 năm trước khi giấy phép hết hạn cũng là thời gian hợp lý.”

Một số đại biểu cũng bày tỏ thắc mắc về 2 bước trong thủ tục cấp lại. Ba năm trước khi hết hạn là đề nghị xem xét cấp lại, 6 tháng trước ngày giấy phép hết hạn phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép. Đây được đánh giá là thủ tục kép, có chăng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình xem xét đầu tư, triển khai mạng lưới của các đơn vị tham gia. 

Mỹ Phượng - Lê Quang