Dấu ấn Đối ngoại Quốc hội 2021: Biến thách thức thành cơ hội

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, và cũng là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và XV. Hoạt động ngoại giao nghị viện trong năm 2021 đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặt nền tảng cho công tác đối ngoại Quốc hội khoá XV.

ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI – KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VIỆT NAM  

Đại hội đồng AIPA 42 diễn ra vào tháng 8/2021 do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức theo hình thức trực tuyến đánh dấu hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV. Trong bài phát biểu đầu tiên trước diễn đàn liên nghị viện khu vực, CTQH Vương Đình Huệ đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của các nghị viện thành viên trong khu vực. Các sáng kiến của về chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng, kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine đã được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Dấu ấn Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị APPF 29 do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 12/2021. Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hai phiên toàn thể về vấn đề chính trị an ninh và kinh tế và thương mại đã mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực.

Đáng chú ý, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành APPF đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33, cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.

PHÁT HUY LỢI THẾ ĐẶC BIỆT TRONG CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VACCINE

Đợt dịch thứ tư bùng phát, gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế xã hội và mất mát lớn về sinh mạng. “Ngoại giao vaccine” trở thành một mặt trận quan trọng, với mục tiêu cao nhất là tranh thủ mọi cơ hội, nguồn lực để tìm kiếm nguồn vaccine, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Ngay trong những hoạt động ngoại giao đầu tiên của nhiệm kỳ mới, hợp tác phòng, chống đại dịch, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; cung cấp, chuyển nhượng vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu, hỗ trợ thuốc điều trị COVID-19 luôn là vấn đề trọng tâm được CTQH Vương Đình Huệ thảo luận với lãnh đạo nghị viện, quốc hội các nước. 

Đối ngoại Quốc hội là kênh ngoại giao đặc biệt, vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc. Tận dụng lợi thế này, các hoạt động đối ngoại của quốc hội mang tính đa dạng, đa kênh. Thông qua việc tiếp cận với nhiều đảng phái trong nghị viện các nước, Quốc hội Việt Nam đã thành công trong việc góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu ngoại giao vaccine

NGOẠI GIAO NGHỊ VIỆN VÌ LỢI ÍCH KINH TẾ THIẾT THỰC

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cần Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2021 cũng tập trung cho việc thúc đẩy các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương.  

Cuộc đối thoại trực tiếp, cởi mở giữa Chủ tịch Quốc hội và các doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa Ủy ban Đối ngoại và các tổ chức Doanh nghiệp hàng đầu từ Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… trong năm vừa qua đã thể hiện tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe, ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, sẵn sàng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh. 

Chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu, Liên minh châu Âu của CTQH Vương Đình Huệ diễn ra sau 1 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ là cơ hội để hai bên cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, nhận định khó khăn thách thức, xác định tồn tại hạn chế, từ đó thúc đẩy thực thi hiệp định đạt hiệu quả cao hơn nữa, mà còn là dịp để tăng cường vận động nghị viện các nước phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). 

Mời quý khán thính giả theo dõi đầy đủ nội dung trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và trang chủ Quochoitv.vn

Kim Ngọc