• 1180 lượt xem
  • 21:57 31/01/2022
  • Văn hóa

Đất làng nghề vào xuân

Xuân về trên khắp các nẻo đường, xuân đến trên từng ngõ ngách nhỏ và xuân đến trên khắp các vùng quê thân thương của đất nước. Sắc xuân đang hiện diện khắp nơi, không chỉ ở trên những cánh đồng, mà trong từng tấc nhỏ của mảnh đất trăm nghề Thường Tín.

Thời khắc những bông hoa đào khoe sắc như thế này, có lẽ ai trong chúng ta cũng có một cảm xúc rạo rực, phấn khởi khi mùa xuân, mùa của sự tươi mới đã đến. Xuân về trên khắp các nẻo đường, xuân đến trên từng ngõ ngách nhỏ và xuân đến trên khắp các vùng quê thân thương của đất nước. Đến với mảnh đất “Thường Tín” một vùng đất trăm nghề nổi tiếng của Hà Nội – để cùng ngắm, cùng chiêm ngưỡng và cùng cảm nhận sắc xuân trong từng hơi thở của mảnh đất này.

Sắc đào Vân Tảo hiện diện rực rỡ

Đào Vân Tảo – cái tên đã trở nên rất quen thuộc với người dân Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành lân cận. Câu chuyện của của cây đào trên mảnh đất này cũng đại diện cho cả một giai đoạn chuyển đổi của làng nghề Vân Tảo. Theo lời kể của người dân trong làng, nghề trồng đào đã tồn tại có lẽ ngót nghét 50 năm, thế nhưng đến trước năm 1990, nghề chỉ là sự manh mún, đào trồng xen kẽ những ruộng lúa hay những luống hoa màu, mà cây cũng chẳng to, hoa cũng chẳng đẹp. Rồi cơ duyên đến, năm 1990 những giống đào đẹp nhất, rực rỡ nhất của nhiều vùng đất, đã được người dân mang về đây để cấy ghép, chăm sóc với hi vọng gieo giống cho một mùa xuân rực rỡ. Ấy vậy mà đào lại hợp đất, lại phát triển, diện tích trồng đào liên tục được mở rộng, đưa danh tiếng của cây đào nơi đây lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu của làng nghề và đem lại nhiều thay đổi tích cực cho người dân thôn quê.

Ông NGUYỄN VĂN TƯỞNG – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Tảo: Đào Vân Tảo bây giờ rất đa dạng phong phú, đẹp và tồn tại rất nhiều năm. Tổng diện tích hiện nay có 100 hecta đã chuyển toàn bộ sang trồng đào và hoa cây cảnh, cũng đem lại cho người dân thu nhập rất là khá, so với trồng lúa là 15-20 lần".

Hiện nay, toàn xã Vân Tảo có hơn 900 hộ trồng đào và nhiều loại hoa cây cảnh khác. So với các mô hình chuyển đổi sản xuất trên địa bàn thì mô hình trồng đào cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Theo chia sẻ của các hộ kinh doanh, trung bình mỗi héc ta trồng đào cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nhờ sự sáng tạo trong quá trình sản xuất, nhiều hộ nông dân làng nghề đã cấy ghép, tạo ra được nhiều thế đào đẹp mắt, sắc hoa rực rỡ, đáp ứng như cầu thị trường ngày càng đa dạng, khó tính.

Ông NGUYỄN VĂN LỢI – Người dân trồng đào: "Cây đào này mình muốn làm thì phải yêu nghề, yêu hoa, không yêu thì khó mà làm được vì chăm sóc cây đào này nó rất cầu kì, vì không phải đơn giản mà có thể thu hoạch được, phải yêu cây hoa đào này như một người bạn”.

Với kinh nghiệm 25 năm làm nghề, ông Lợi cũng chia sẻ, đa số người dân tìm tới thương hiệu đào Vân Tảo bởi yêu thích cái sự lâu đời, cái gai góc của những gốc đào cổ; hay sự mềm mại, uốn lượn của các gốc đào thế. Gốc đào gọi là trẻ cũng phải từ 7 năm tuổi trở lên, và cũng không ít những gốc đã 15-20 tuổi, thậm chí cả những gốc ngót nghét tuổi 30. Và tất nhiên, để nuôi những gốc đào lâu năm không phải là điều dễ dàng, để những gốc đào đó bung sắc rực rỡ đúng độ trong sự bất thường của thời tiết lại càng khó khăn hơn. Dường như, chính những câu chuyện của đời, của người, của cả một làng nghề phía sau những bông hoa rực rỡ như thế này, lại càng khiến du khách thập phương thêm trân trọng, yêu thích hơn với danh hiệu Đào Vân Tảo.

Ông ĐỖ VĂN LƯ –  Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Nếu nói về đào thì trước đây người ta gọi là Đào Nhật Tân, Đào Nhật Tân là cổ truyền của người dân Hà Nội. Thế nhưng mà những năm gần đây thì tất cả xung quanh những vệ tinh của Hà Nội người ta cũng phát triển cái cây đào này, người dân ở Vân Tảo này người ta rất cần cù, chăm chỉ, chăm những cây đào mà người ta gọi là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, cây đào ở dưới này rất là đẹp và chúng tôi đã sử dụng cây đào dưới này đã hai năm rồi. Năm nay, chúng tôi lại xuống và lấy cái Đào Vân Tảo để cho bà con thưởng thức cái mùa xuân trong cái đại dịch này”.

Ông TRẦN THẮNG –  Khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội: Đây là năm thứ 3 tôi mua đào Vân Tảo, mỗi vườn đào thì lại có một đặc sản khác nhau, như đào Nhật Tân thì thường bé, còn đào Vân Tảo thì dáng, thế to, rất thích hợp trưng bày ở các sảnh chung cư, cơ quan… Hơn nữa người dân nơi đây cũng rất nhiệt tình, mến khách”.

Năm thứ 3 đất nước chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19 và cũng là năm thứ 3 những làng nghề như Vân Tảo phải đối diện với khó khăn. Thế nhưng, dù khó khăn đến đâu thì khi thời điểm xuân đến, làng nghề nơi đây vẫn luôn hiện diện rực rỡ. Sự rực rỡ của những nhánh hoa; sự rực rỡ của những người nông dân thoăn thoắt dỡ cành, đào đất, đóng gói, hay sự rực rỡ của những du khách tất bật sắm sửa đón Tết. Có lẽ, bức tranh của làng nghề hoa đào đã thể hiện trọn vẹn không khí náo nức chờ đón một mùa xuân mới.

Bên cạnh 100 hecta trồng đào, Thường Tín còn hơn 200 hecta đất nông nghiệp dành cho các sản phẩm – rau hoa màu. Trong đó, không ít những mô hình nông nghiệp chất lượng cao đã xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân các làng nghề chuyên canh. Chỉ ít ngày nữa thôi, cánh đồng khoai tây mẫu tại xã Hà Hồi – Huyện Thường Tín sẽ bước vào đợt thu hoạch, minh chứng cho những nỗ lực chuyển đổi mô hình cây trồng – rau – hoa màu thành công tại làng nghề chuyên canh này; đồng thời cũng mở ra những hi vọng cho một năm mới bội thu.

Ông TỪ ĐỨC TOÀN – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội:  Đối với cây lúa thì năng suất tính ra ngày công thì nó thấp, đặc biệt là từ năm 2010 cho đến nay thì cũng được thành phố công nhận 51,3 hécta rau an toàn được qui hoạch của xã. Đối với chúng tôi là hợp tác xã được hình thành từ năm 2020 thì việc đầu tiên mà chúng tôi muốn làm là thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ cấp xã là phục hồi lại thương hiệu khoai Hạ Hồi và sau đó mở rộng các loại cây trồng khác, làm một cái mô hình điểm để bà con học tập làm theo để giảm diện tích bỏ cội, nâng cao hiệu kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm cho người lao động."

Cũng theo chia sẻ của Hội Nông dân xã, thương hiệu khoai tây Hà Hồi đã có tiếng từ những năm 1920. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khách quan mà thương hiệu này đã trải qua nhiều thăng trầm và phải đến năm 2020, chính quyền xã cũng như huyện mới quyết tâm xây dựng lại thương hiệu khoai tây, đưa mặt hàng này vào chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm” khi nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như giá trị kinh tế cao từ loại nông sản này. Với năng suất có thể đạt tới 54 tấn/ vụ, thu nhập từ khoai tây cao gấp 3-4 lần lúa và cao hơn nhiều loại hoa màu khác, sẽ giúp nâng cao hơn nữa đời sống của bà con nông dân. Từ câu chuyện của cánh đồng mẫu khoai tây xã Hà Hồi đã cho thấy, sự vận động không ngừng của làng nghề nông nghiệp thuần túy trong dòng chảy kinh tế thị trường. Không chỉ xây dựng danh tiếng, gìn giữ danh tiếng mà bản thân mỗi làng nghề phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa làng nghề ngày một phát triển, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề.

Làng nghề Hạ Thái - nơi đúc kết những tinh hoa của nghệ thuật sơn mài Việt 

Sắc xuân đang hiện diện khắp nơi, không chỉ ở trên những cánh đồng, mà trong từng tấc nhỏ của mảnh đất trăm nghề này. Hãy cùng tôi đến với cụm công nghiệp làng nghề Hạ Thái, nơi đúc kết những tinh hoa của nghệ thuật sơn mài Việt Nam và cảm nhận sắc xuân qua từng sản phẩm của làng nghề. 

Gắn bó với cái nghề sơn mài đã vài chục năm, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cũng là nhân chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ của làng nghề sơn mài Hạ Thái. Lịch sử ghi lại, nghề sơn mài Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, tiền thân của làng nghề truyền thống chính là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng. Dù không phải là ông tổ của nghề sơn nhưng mảnh đất này lại tập trung nhiều đôi bàn tay tài hoa, tạo ra những sản phẩm tinh xảo để phục vụ cung đình xưa, nhờ vậy, nghề sơn mài Hạ Thái ngày càng phát triển và khẳng định được thương hiệu. Đặc biệt từ năm 2017, từ một làng nghề truyền thống mang tính chất đơn lẻ, rải rác, các hộ sản xuất của làng nghề đã được qui tập vào cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái rộng 12 hecta, nhờ vậy, người dân làng nghề có thể mở rộng không gian sản xuất, nâng cao năng suất lao động cũng như nâng cao thu nhập. Ngày nay, những sản phẩm tinh xảo này đã được xuất đi nhiều nước Trung Đông, Châu Âu hay Nhật, Hàn với các tiêu chuẩn khắt khe, tạo danh tiếng cho nền sản xuất “thủ công mỹ nghệ” theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Nghệ nhân ưu tú NGUYỄN THỊ HỒI – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái: "Làng nghề có bước phát triển rất nhộn nhịp, nhiều công ty họ có những hợp đồng xuất khẩu thì họ mang về làng nghề để các hộ gia công, hoặc những họ không có công việc xuất khẩu thì họ tập trung làm hàng trong nước, trong nước cũng rất yêu thích sản phẩm của chúng tôi. Sản phẩm hiện nay rất đa dạng, trước đây là bình phong, khay hộp thì bây giờ có quả táo, bát dừa rất được người nước ngoài ưa thích.”

Trong xu hướng công nghiệp hóa nông thôn, việc thành lập các cụm công nghiệp làng nghề là điều tất yếu nhằm nâng tầm qui mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh trong cụm. Việc phát triển các cụm công nghiệp làng nghề được kỳ vọng là hạt nhân đổi mới sáng tạo tại nông thôn, là nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. cũng như giá trị thương mại của các sản phẩm làng nghề. Và câu chuyện của làng nghề Hạ Thái nói riêng, cũng như nhiều cụm công nghiệp khác tại Thường Tín nói chung, như cụm công nghiệp làng nghề Vạn Điểm, cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong ...đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn đó. 

Ông NGUYỄN TIẾN MINH – Bí thư Đảng ủy Huyện Thường Tín, TP Hà Nội: Trong quá trình triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống thì huyện Thường Tín hiện nay có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, 3 cụm công nghiệp sắp triển khai và dự kiến trong thời gian tới sẽ thành lập 3 cụm công nghiệp  mới cũng như là mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn các xã  trên địa bàn huyện Thường Tín, để đưa các sản xuất làng nghề ra khỏi phạm vi dân cư, tập trung làm sao đó để đảm bảo môi trường để Thường Tín phát triển bền vững."

Mặc dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, thế nhưng năm qua, tổng giá trị sản xuất Công nghiệp - Thủ công nghiệp của huyện Thường Tín cũng ước hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2020. Những con số này có thể chưa đáp ứng hết kì vọng của người dân làng nghề, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu hiện nay, con số trên cũng đã phần nào minh chứng sức sống của làng nghề, là nền tảng để người dân có thể kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc hơn khi mà nước ta ngày càng tiến gần tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.  Giao thương đã và đang dần trở lại, những sản phẩm thú vị, được hình hành từ sự kết hợp giữa “thủ công truyền thống”  với “ chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa” sẽ lại xuất xưởng đi muôn nơi, mở ra những cơ hội phát triển mới cho người dân làng nghề.

Chỉ một ít ngày nữa, những sản phẩm sơn mài rực rỡ sắc màu như thế này sẽ được đóng gọn vào những chiếc công ten nơ, theo những con thuyền chở hàng đến với nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam sẽ lại được loan tỏa khắp nơi, để thế giới thêm hiểu về con người và đất nước Việt Nam. Và dù làng nghề có phát triển đến đâu thì trong lòng của vùng đất này vẫn luôn hiện hữu những giá trị văn hóa đặc trưng, luôn lưu giữ những tinh hoa mà cha ông đã đúc kết và truyền lại.”

Về lại làng nghề duy nhất phục chế long bào

Làng Đông Cứu – Huyện Thường Tín Hà Nội, có lẽ được coi là làng nghề thêu đặc biệt nhất của Huyện Thường Tín nói riêng cũng như cả nước nói chung. Bởi, đây là làng nghề duy nhất phục chế long bào, hoàng bào thông qua từng đường kim, mũi chỉ. Theo Nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi – người duy nhất trong làng nghề phục dựng được cách thêu cung đình, thì thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Đó là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp

Nghệ nhân nhân dân VŨ GIỎI: "Sau những năm 90, có cái văn hóa phục hồi lại, gìn giữ lại tất cả các bản sắc văn hóa, nhất là cái văn hóa trang phục của các triều đại phong kiến, có những họa tiết hoa văn trong cung đình là cái mà các cụ đã bao nhiêu công sức làm ra, trong khi đó tôi trong nghề, tôi nhìn thấy cái nét văn hóa đó thì từ bấy giờ nó cứ đam mê và nó nhiễm vào, cứ theo dần và quá đam mê để làm sao gìn giữ lại được cái nghề thêu cung đình của các cụ ngày xưa

Để có thể phục dựng được trang phục theo nguyên mẫu long bào Vua Đồng Khánh , nghệ nhân Vũ Giỏi đã phải mất hơn 15 tháng nghiên cứu và chế tác. Anh phải mày mò nghiên cứu từ sử sách, xin tham vấn từ những chuyên gia đầu ngành để có thể tạo ra những đường thêu vô cùng tỉ mỉ, sắc nét. Và chỉ cần nhìn vào chiếc long bào này, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận sự uy quyền của một vị vua  - người đứng đầu đất nước thời kì phong kiến nhà Nguyễn.

Nghệ nhân nhân dân VŨ GIỎI: "Mỗi đất nước đều có một nét văn hóa riêng và làng nghề cũng có nét văn hóa riêng, tôi rất mong muốn gìn giữ được những nét văn hóa của nghề thêu để truyền lại cho con cháu.” 

Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề thêu tay Thường Tín cũng có nhiều chuyển biến để thích ứng với sự phát triển của xã hội, đồng thời bảo tồn và lưu giữ được nghề truyền thống. Hơn 60 năm làm nghề, người nghệ nhân tài ba Nguyễn Quốc Sự của làng nghề thêu tay Thắng Lợi đã tạo ra hàng trăm tác phẩm đặc sắc với nhiều chủ đề đa dạng từ truyền thống đến hiện đại, từ trong nước đến ngoài nước. Đặc biệt, trong đó có không ít tác phẩm để đời của ông như bức tranh thêu truyền thần chân dung của Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp hay những bức tranh tái hiện lịch sử. Lại một mùa xuân mới đến, người nghệ nhân lão thành này lại thêm một tuổi, thế nhưng dù đã ngoài 80, ngọn lửa nhiệt huyết với nghề truyền thống của ông chưa bao giờ vơi. Ông vẫn cần mẫn hàng ngày với từng đường kim, mũi chỉ, vẫn nhiệt huyết truyền nghề cho thế hệ sau để tiếp nối  hành trình lịch sử hơn 400 năm của làng nghề, để thế hệ con cháu thêm hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử của dân tộc được lưu giữ trong hồn cốt của làng nghề. 

Nghệ nhân NGUYỄN QUỐC SỰ: Để có thể giữ được cái nghề đấy thì con người ta phải có một cái sự đam mê, và thấy sâu trong đó có  nhiều cái văn hóa của dân tộc rất đáng quí. Và hai nữa nó rất nhân văn, nuôi sống được con người và giúp con người sống sung túc hơn về mặt kinh tế. Khi bước vào nghề thì phải tỉ mỉ, cần cù, truyền lại cho đời con đời cháu để gìn giữ nghề thêu cho thế hệ sau và cũng là gìn giữ cái văn hóa của đất nước.

Có một thực tế, khi xã hội càng phát triển thì con người lại càng muốn tìm về những giá trị mang tính hoài niệm, cổ truyền. Đó cũng chính là lí do mà nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc lưu giữ những không gian làng nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm du lịch từ làng nghề truyền thống. Huyện Thường Tín vốn đã nổi danh là đất khoa bảng từ xưa với số lượng đỗ Tiến sĩ nhất nhì kinh thành Thăng Long; huyện cũng có nhiều di tích nổi tiếng như: Chùa Đậu, Đền thờ Nguyễn Trãi hay khu Văn Từ Thượng Phúc – nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện qua nhiều thời kỳ; hơn nữa, bản thân mỗi làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ nơi đây đều chứa đựng những câu chuyện của lịch sử, chứa đựng những nét văn hóa riêng biệt và những giá trị mang tính thẩm mỹ cao. Những điều kiện này sẽ là nền tảng rất tốt để địa phương có thể quảng bá và phát triển ngành du lịch gắn với văn hóa trong thời gian tới; để du khách thập phương có cơ hội tìm hiểu về một vùng đất danh hương khoa bảng, nơi mà những người nghệ nhân tài ba vẫn miệt mài gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Ông  NGUYỄN TIẾN MINH – Bí thư Đảng ủy Huyện Thường Tín, TP Hà Nội: Huyện sẽ xây dựng các cái tour du lịch đến các điểm văn hóa lịch sử, khu danh lam thắng cảnh, khu du lịch tâm linh, đặc biệt là các tour du lịch làng nghề của huyện Thường Tín như làng nghề thêu, làng nghề tiện, làng nghề sơn mài, rồi làng nghề xương sừng và nhiều làng nghề truyền thống khác."

Theo thông lệ, ngày 9 tháng giêng hàng năm, tất cả các nghệ nhân làng nghề cũng như người dân của huyện Thường Tín đều tụ họp tại lễ khai bút và khai sản xuất  đầu năm. Sự kiện thường niên này đã thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhờ nguồn, tôn sư trọng đạo của nhân dân Thường Tín và cũng là dịp ý nghĩa để tôn vinh những nghệ nhân tài ba của vùng đất làng nghề. Bởi, những nghệ nhân – họ không chỉ là đại diện cho tiếng nói của làng nghề, mà còn là những người truyền lửa tình yêu với nghề truyền thống cho thế hệ sau; là những người có công, có sức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đáng quý của dân tộc. Nghệ nhân còn, làng nghề còn, những tinh hoa mà cha ông ta đã tạo lập và đúc kết sẽ lại tiếp tục được truyền thụ cho con cháu.

Làng nghề vào xuân, cảnh sắc cùng con người cũng dường như hối hả hơn, nhưng trong cái hối hả đó là sự kì vọng, sự khát khao một năm mới khởi sắc. Mùa xuân - mùa của sự sống đã đến, mùa của sự tươi mới đã về trên mảnh đất trăm nghề, mở ra những những cơ hội mới và cả những kì vọng mới cho một năm thăng hoa.

Anh Thư