"... Kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức.... Kiến nghị dành một khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, tiền đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc" là đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy trong phiên thảo luận hôm 7/1.
Trong bối cảnh đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, theo các đại biểu, một trong những vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời người lao động – động lực chính để hồi phục và phát triển kinh tế xã hội. Do đó trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa tiền tệ, Chính phủ cần dành sự quan tâm đặc biệt đến những chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2021 là 3,56%, Tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước. Dịch bệnh cũng khiến lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác. Do đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho người lao động thông qua doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; thì nhóm lao động yếu thế cần phải được đặc biệt quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch.
Ông Tô Văn Tám - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Thứ nhất họ có thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề. Do vậy luôn phải đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp lao động nghèo. Thứ hai là họ chiếm một phần lớn trong lực lượng lao động của quốc gia và cũng đóng góp cho nền kinh tế trong việc tạo ra GDP. Họ rất dễ bị tổn thương trước tác động bên ngoài và đại dịch COVID thì họ là đối tượng bị tác động trước nhất và tác động nặng nề nhất. Do vậy, cần phải có cơ chế hỗ trợ lao động khu vực này để đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế các tiêu cực trong khu vực này. Thiết nghĩ trong chính sách này, trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng cần bao phủ thêm đối tượng này”.
Phân tích bức tranh người lao động và thị trường lao động dưới tác động của đợt dịch lần thứ 4, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, tuy nhiên với Nghị quyết lần này cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ áp dụng cả với lao động chính thức cũng như phi chính thức.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Một là, kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp. Hai là, kiến nghị dành một khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân. Ba là, kiến nghị dành một khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, tiền đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đoàn Lạng Sơn, khung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ nêu việc nghiên cứu, hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch mà chưa đưa ra được chính sách với đối tượng, mức và hình thức hỗ trợ cụ thể. Trong khi các giải pháp tài khóa tiền tệ chỉ tập trung thực hiện trong 2 năm. Như vậy khu vực phi chính thức và nhóm yếu thế sẽ khó có thể nhận được hỗ trợ kịp thời.
Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2020 của Chính phủ, nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách cho khu vực phi chính thức, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, góp phần kích cầu đối với nền kinh tế. Thứ hai, nghiên cứu bổ sung nguồn vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bên cạnh nguồn vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Cũng theo đại biểu, về nội dung chính sách an sinh xã hội trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê theo quy định của Luật Việc làm năm 2013./.