Danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa Việt Nam xứng tầm quốc tế nhưng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên tương xứng

Du lịch di sản văn hóa của Việt Nam là một hoạt động phổ biến và được du khách trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn. Việc đi du lịch hiện nay không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu khám phá những nét độc đáo truyền thống văn hóa của các điểm đến. Chính vì vậy, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Hướng dẫn viên thay mặt cho quốc gia này tiếp khách, đại diện cho một nền văn hóa để tiếp khách. Tuy nhiên đội ngũ này chưa phát huy hết vai trò kết nối di sản của mình.  

Thừa Thiên Huế là địa phương có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch lên tới gần 1.100 người để phục vụ du khách tại các di sản văn hoá. Để có thể đáp ứng yêu cầu công việc, đội ngũ hướng dẫn viên ở đây luôn phải tự cập nhật kiến thức, kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông VŨ HOÀI PHƯƠNG, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Nghề hướng dẫn viên là một nghề đặc thù, một mình họ chỉ làm thôi, nếu không có thống nhất hệ thống thì mỗi hướng dẫn viên theo 1 phách thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Đối với hướng dẫn viên, điều quan trọng là phải tự học, tự phấn đấu, tự nâng cao trình độ." 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ninh Bình đã đón tới 1,78 triệu lượt khách, tăng 205% so với cùng kì 2021, trong đó có 18 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 139%.  Tràng An - quần thể di sản hỗn hợp với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và nhiều điểm du lịch di sản văn hoá nổi tiếng. Thế nhưng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các điểm ở đây còn gặp nhiều hạn chế và chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế. Tham quan Tràng An, khách sẽ di chuyển bằng thuyền, mỗi thuyền chỉ chờ 4 người. Ở đây, hướng dẫn viên du lịch không thể thuyết minh trên loa cho 4-5 thuyền bởi như thế sẽ tạo tiếng ồn trong khu du lịch, một điều cấm trong bảo tồn di sản.

Ông HOÀNG THANH PHONG, Trưởng ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc – Ninh Bình: “Trong lúc chưa có đủ lượng hướng dẫn viên du lịch tại điểm, chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hoá du lịch Ninh Bình từng bước đào tạo đội ngũ lái đò vừa tham gia dịch vụ đò, vừa tham gia giới thiệu cho khách du lịch về lịch sử văn hoá khu du lịch. Nhưng chủ yếu đội ngũ này là người làm nông tham gia  vào lao động sản xuất những lúc nông nhàn thì  tham gia lái đò nên việc chuyển tải thông tin cho khách du lịch còn khó khăn.” 

Hướng dẫn viên du lịch chính là cầu nối, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của 1 địa phương đến với du khách. Số lượng hướng dẫn viên  tăng liên tục theo từng năm nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, đến nay, số lượng hướng dẫn viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Số lượng và chất lượng hướng dẫn viên của ngành du lịch, đặc biệt là  hướng dẫn viên về di sản là một nội dung chúng ta đang cần quan tâm. Các cơ sở đào tạo ra lò các hdv du lịch để cấp thẻ mới là được nhiệm vụ là đào tạo, trang bị những kiến thức kĩ năng cơ bản còn kiến thức và kỹ năng chuyên sâu tại các điểm du lịch là di sản để thuyết minh, truyền tải giá trị di sản đến khách thì phải được đào tạo tại chỗ, tại nơi làm việc. Và bản thân người hdv phải tự trau dồi và học tập.” 

Yếu về chuyên môn và nghiệp vụ là thực trạng được nhắc đến nhiều bên cạnh sự thiếu hụt về số lượng các hướng dẫn viên du lịch di sản tại nước ta. Đây chính là một khó khăn của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của du lịch di sản văn hoá nói riêng khi kỳ vọng những bước đi đột phá trong công nghiệp văn hóa. 

Anh Tuấn