Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại Hội nghị lần thứ 12 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra ngày 8/5, tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị báo cáo cần đánh giá đầy đủ toàn diện về vấn đề học trực tuyến.
Về vấn đề dạy và học trực tuyến bên cạnh việc đánh giá về chất lượng dạy học trực tuyến trong hai năm vừa qua các đại biểu đề nghị, những vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe của học sinh và thầy cô cũng cần được coi trọng và đánh giá.
Bà NGUYỄN LAN HƯƠNG - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội: "Phải có đánh giá đầy đủ và toàn diện, cùng với những biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, cần quan tâm đến yếu tố thể chất, tinh thần, tâm sinh lý cho các cháu, nhất là học sinh đầu cấp và cuối cấp và cả cấp tiểu học, mầm non phải ở nhà và được học trực tuyến."
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường cho rằng, 2 năm vừa qua, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến có cả ưu điểm và mặt hạn chế, do đó đề nghị tổng kết việc học trực tuyến để rút ra bài học, kinh nghiệm.
GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam: "Một năm học trực tuyến mà có những lỗ hổng về mặt kiến thức như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ, do đó cần tổng kết một cách sâu sắc những hạn chế về mặt chuyên môn, để bổ sung kịp thời kiến thức."
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tán thành với đề xuất của dự thảo báo cáo đề nghị nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thận trọng việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT và kiến nghị môn Lịch sử phải là môn học chính thức.