Đánh giá kỹ tác động, đảm bảo nguồn lực đất đai

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng những hệ lụy có thể xảy ra, trong đó có việc gom đất, đẩy giá đất lên cao. Một số ý kiến lo ngại, có thể dẫn tới thất thoát cho Ngân sách Nhà nước, “chảy máu nguồn lực” đất đai, trong khi lợi ích từ việc chênh lệch địa tô lại phần lớn thuộc về chủ dự án.

      Theo đề xuất của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng nhiều dự án không thể triển khai được như hiện nay.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng những hệ lụy có thể xảy ra, trong đó có việc gom đất, đẩy giá đất lên cao. Một số ý kiến lo ngại, có thể dẫn tới thất thoát cho Ngân sách Nhà nước, “chảy máu nguồn lực” đất đai, trong khi lợi ích từ việc chênh lệch địa tô lại phần lớn thuộc về chủ dự án.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật đầu tư, chính là việc sửa đổi khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở.  Tuy nhiên, quy định như vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ “chảy máu” nguồn lực tài nguyên đất đai, thất thoát cho NSNN, trong khi lợi ích cơ bản sẽ đem lại cho chủ dự án, người gom đất.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi nói ví dụ Hà Nội hiện nay hệ số k cao nhất là 2,15, bảng giá đất cao nhất là 168 và như vậy thì dù có chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa bờ Hồ hoặc là Thành phố Chí Minh trên đường Nguyễn Huệ cũng chỉ phải trả tiền đất là 312 triệu 1m. Như vậy, rõ ràng ở đây sẽ tạo ra một sự thất thoát rất lớn về mặt nguồn lực cho Nhà nước. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc này hết sức phải cân nhắc.

Ông Ngô Trung Thành - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Với nội dung sửa đổi như vậy, người nào gom được đất đồng nghĩa với việc có khả năng cao được chấp nhận là nhà đầu tư để triển khai dự án. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến phong trào gom đất, đẩy giá đất loại này lên cao, hệ lụy phát sinh sẽ rất nhiều và rất lớn. Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vốn đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Khiếu nại, tố cáo trong những lĩnh vực đất đai vốn đang chiếm phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo chắc chắn sẽ càng tăng nhiều hơn và nóng nhiều hơn… Tôi đề nghị Quốc hội tạm thời chưa nên sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như phương án đề xuất. 

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa toàn diện Luật Đất đai, Luật Nhà ở; vừa đảm bảo khai thác, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN, Nhà đầu tư cũng như người có đất chuyển nhượng.

Ông PHAN THÁI BÌNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam : Chênh lệch giá ở đây chúng ta phải nên nhớ một điều theo quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật về giá thì giá là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và thất thoát hay không là do chúng ta định giá không sát với giá thị trường chứ không phải do sửa luật. Do vậy, tôi vẫn đồng tình với quan điểm của Chính phủ là sửa Luật Đầu tư và Luật Nhà trong trường hợp này.
        Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở là chính sách tác động lớn về đất đai, thị trường bất động sản, các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động; có hướng xử lý được vấn đề chênh lệch địa tô.
Ông Nguyễn Đại Thắng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu vì đây là chính sách lớn, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, gây khó khăn cho việc quản lý quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, với số lượng nhà đầu tư được lựa chọn không thông qua đấu giá, đấu thầu sẽ tăng lên và có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư thu gom đất không phải đất ở để chờ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt sẽ chuyển mục đích nhằm trục lợi.
 Các ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa toàn diện Luật Đất đai, Luật Nhà ở; vừa đảm bảo khai thác, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN, Nhà đầu tư cũng như người có đất chuyển nhượng