Nạo vét luồng hàng hải Định An - Sông Hậu lên bàn nghị sự

Việc thông luồng tàu biển ở cửa Định An để khai thông cảng biển Cần Thơ chưa thể thực hiện vì đối mặt với nhiều khó khăn. Tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, nội dung này sẽ được đưa ra thảo luận để có giải pháp.

Nhiều năm qua, việc thông luồng tàu biển ở cửa Định An để khai thông cảng biển Cần Thơ đã được ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương các vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được. Do vậy, việc xã hội hoá nạo vét thông luồng hàng hải này, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng của TP Cần Thơ, được Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện hoạt động nạo vét luồng hàng hải này, giúp mở cánh cửa thông thương bằng đường biển cho toàn vùng. Nội dung này được bàn kỹ tại nhiều phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vì nhiều băn khoăn liên quan đến phạm vi áp dụng, thời hạn ưu tiên, mức độ ưu đãi … đòi hỏi Chính phủ phải đánh giá kỹ càng về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết.

Luồng hàng hải Định An –Cần Thơ nối từ cửa Định An (Trà Vinh) với sông Hậu chạy qua Cần Thơ,  Đại Ngãi (Sóc Trăng), Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7km. Hiện luồng Định An chỉ có tàu dưới 5 nghìn tấn lưu thông, thời gian do việc thực hiện nạo vét luồng hàng hải Định An –Cần Thơ không được thực hiện thường xuyên dẫn đến các tàu có tải trọng trên 7.000 tấn chưa ra, vào được các cảng nội địa trên luồng hàng hải trên Sông Hậu đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải.

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Luồng Định An bị cạn hàng năm do đó cái vùng ĐBSCL với sản phẩm lúa thủy sản và trái cây và nông sản rất lớn do đó cái tàu 5, 7 ngàn tấn không vào được Cần Thơ vào luồng Định An nầy hầu như là 70% các hàng nông sản xuất khẩu của ĐBSCL lên cảng TPHCM và Các Lái với sản lượng như vậy ảnh hưởng đến chi phí nông dân và doanh nghiệp tăng.

Hiện nay, việc nạo vét luồng đường thủy vùng ĐBSCL được thực hiện bằng dự án đầu tư công. Việc nạo vét 1 km đường thủy để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, chi phí khoảng 180 tỷ đồng. Nếu chỉ nạo vét 29 km cửa Định An, khu vực cấp thiết nhất đã được Bộ Giao thông vận tải công bố, chi phí nạo vét khoảng 1.050 tỷ đồng/lần nạo vét. Nếu nạo vét để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10.000 tấn vào Cảng Cái Cui, Cần Thơ thì chi phí khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/lần nạo vét. Do đó, thực hiện nạo vét theo hình thức xã hội hóa kết hợp thu hồi sản phẩm sẽ vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, dự án được Bộ giao thông Vận tải đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hoá từ lâu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia. 

Ông NGUYỄN XUÂN SANG  - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Chúng tôi đã đưa tuyến luồng này vào danh mục kêu gọi xã hội hoá nạo vét, tuy nhiên từ đó đến nay cũng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, đối với việc nạo vét xã hội hoá luồng của Định An, cho tàu 5000 như là danh mục công bố của Bộ GTVT, lý do thì tôi cho rằng có thể do tính chất đất lắng ở khu vực này, chủ yếu là bùn, nên nguồn thu từ việc sử dụng các vật chất sau nạo vét không bù đắp được chi phí nạo vét nên không hấp dẫn nhà Đầu tư.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng nhu cầu nạo vét, duy tu các luồng hàng hải, cảng biển các tuyến luồng hàng hải khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn vì đây là khu vực có lượng bồi lắng bùn, cát trở lại nhanh do nhiều yếu tố tác động. Hiện nay chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Bên cạnh đó, thành phần vật chất nạo vét chủ yếu là bùn nhiều khu vực tỷ lệ bùn - cát khoảng 70% - 30%. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến các vấn đề trên khi triển khai chính sách đặc thù về nạo vét, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu các giải pháp để tận dụng các sản phẩm thu hồi. 

Ông NGUYỄN TUẤN ANH - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Việc đánh giá tính khả thi, hợp lý của dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An-Sông Hậu sẽ được thực hiện thông qua lập báo cáo khả thi của dự án cụ thể theo quy định của Nghị định 159/2018/NĐ-CP với các bước cụ thể, bao gồm quy mô dự án, đánh giá tác động môi trường, khả năng tài chính của nhà đầu tư và số liệu khảo sát thực tế các hướng tuyến nạo vét... khả năng thu hồi vốn. Để bảo đảm tính khả thi, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Cần Thơ cần rà soát, tham vấn, cân nhắc kỹ lưỡng các kết quả nghiên cứu trước đây của tư vấn nước ngoài, các nhà khoa học đã khuyến cáo về độ sâu nạo vét, khu vực nạo vét, khu vực cần thiết phải kè bảo vệ bờ, xác định chuẩn tắc luồng cần nạo vét… để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Nhằm khuyến khích đầu tư, tại dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ, Chính phủ đề xuất, các dự án bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Theo đó, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Riêng miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, thường trực Uỷ ban TCNS của Quốc hội cho rằng để bảo đảm chặt chẽ, cần quy định rõ chỉ miễn tiền thuế đất đối với diện tích dùng để tập kết sản phẩm nạo vét; không miễn, giảm cho các mục đích khác. Bên cạnh đó, dự thảo cần làm rõ mục đích thuê mặt nước. 

Ông TRẦN DUY ĐÔNG  - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đối với tiền thuê đất và mặt nước, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo, sẽ quy định rất rõ miễn tiền thuê đất ở đây là chỉ miễn tiền thuế đất đối với diện tích dùng để tập kết sản phẩm nạo vét. Trong quá trình thảo luận với bộ giao thông va thành phố Cần Thơ thì dự kiến bùn thải này có thể dùng để đắp cầu cảng ra cảng Trần Đề, giải quyết được 2 mục đích vừa đổ thải được nhưng cũng vừa giải quyết vấn đề tận dụng vấn đề đất. Đối với mặt nước chúng tôi cũng sẽ quy định rõ hơn, vấn đề mặt nước chỉ để cho các xà lan, thiết bị, máy móc họ phải đóng ở đó thực hiện nạo vét, chứ không có mục đích khác. 

Kết luận tại kỳ 2, phiên họp thứ 6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương áp dụng cơ chế về một số ưu đãi giống như Chính phủ trình và đề nghị có nghiên cứu thêm các ý kiến tại Phiên họp. Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng đồng bằng Sông Cửu Long; đánh giá tính khả thi chính sách và đánh giá đầy đủ mặt tác động khi tiến hành nạo vét dự án, nhất là tác động đến môi trường, trách nhiệm của Bộ giao thông vận tải, các địa phương khác có liên quan; đánh giá việc thực hiện đầu tư mới luồng Định An - Cần Thơ; Thống nhất thời hạn ưu tiên là 5 năm. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến xem xét thông qua tại phiên họp bất thường theo trình tự thủ tục rút gọn./.