Đam mê - Chìa khóa thành công của các nhà khoa học

Ít ai trong chúng ta biết được các nhà khoa học phải trải qua những gì để mang đến các công trình giúp thay đổi cuộc sống của con người. Dù trải qua những thách thức, khó khăn khác nhau và đi trên những hành trình khác nhau để đi đến thành công, nhưng điểm chung của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới là “sự đam mê” kiện định với những ước mơ.

Câu chuyện được chia sẻ bởi các nhà khoa học tại chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo giải VinFuture đã, đang và sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Sở hữu khoảng hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố uy tín trên thế giới và là tác giả, đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học khác nhau, nhưng với Giáo sư Sir Richard Henry Friend niềm đam mê khoa học chưa bao giờ tắt. Để nuôi dưỡng niềm đam mê, cha đẻ của nghiên cứu về OLED luôn ghi nhớ về những chặng đường gian nan để tìm ra những giải pháp, nghiên cứu mới, coi đó là động lực để ông tiếp tục cống hiến cho nhân loại.

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: "Tôi chỉ bắt đầu với sự tò mò thuần túy, chúng tôi không nghĩ rằng đó sẽ là điều gì đó hữu ích, tôi đơn giản chỉ là quan tâm tới câu hỏi nền tảng cách đây nhiều năm về việc làm sao một electron có thể di chuyển từ một phân tử này sang một phân tử khác, và liệu có thể xảy ra một cách dễ dàng hay không. Hóa ra kết quả rất hứa hẹn. Đối với tôi đó là một hành trình rất thỏa mãn. Tôi không nghĩ rằng tất cả các công trình khoa học đều có thể trở thành những ứng dụng thực tế, nhưng nếu bạn may mắn có cơ hội đó, thì đó là một hành trình tuyệt vời!”.

Nếu chỉ nhìn vào thành công hiện tại, sẽ khó có thể hiểu được những khó khăn, thách thức mà các nhà khoa học đã phải vượt qua. Ít ai biết được rằng, để thành công trong tìm ra “bí mật” về quá trình trao đổi chất của các tế bào ung thư, đặc biệt là với tác động từ đường (glucozơ), chìa khoá nhận diện dấu hiệu của ung thư, nhà khoa học gốc Việt Đặng Văn Chí phải trải qua vô vàn khó khăn. Để vượt qua các khó khăn đó, Giáo sư Đặng Văn Chí chỉ có một chìa khoá là “kiên định”. 

Giáo sư Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Hoa Kỳ: "Đến Mỹ từ một quốc gia khác, bạn sẽ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, nhưng tôi nghĩ thách thức quan trọng nhất với tôi là việc có những ý tưởng mới, có bằng chứng ủng hộ và thuyết phục cộng đồng khoa học chấp nhận các công trình. Khi bạn gặp phải sự bác bỏ ý tưởng, bạn cần phải kiên định theo đuổi ý tưởng, cuối cùng sau một vài thập kỷ, ý tưởng của bạn sẽ đơm hoa kết trái và bạn sẽ tạo nên được sự khác biệt”.

Đối với các nữ khoa học, khó khăn thách thức còn gấp bội, bởi với họ có 2 công việc phải thực hiện trong cuộc sống là nhà khoa học và nội trợ. Với Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, người nằm trong top 1% nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics, thì “mơ ước” là chìa khoá đến thành công trong khoa học. 

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ, Đại học California, Santa Barbara: “Đối với khoa học bạn cần có sự tò mò, cần học hỏi những cái mới. Lời khuyên của tôi cho những người trẻ tuổi là hãy theo đuổi giấc mơ của mình. Nếu bạn có giấc mơ và muốn theo đuổi giấc mơ của mình, đừng để bất cứ điều gì hay bất cứ ai ngăn cản bạn theo đuổi giấc mơ của mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, sẽ có ai đó giúp đỡ bạn”.

Giáo sư Albert P. Pisano, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Jacobs của Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ): "Thách thức thực ra là một cơ hội thú vị. Nếu trong tư tưởng bạn luôn đón chào những thách thức, đó là những bước sẽ giúp bạn tiến lên. Đối với tôi, khi một thách thức lớn xuất hiện, thì đó là một khoảnh khắc thú vị. Đó sẽ là khoảnh khắc chúng tôi tập hợp mọi người trong nhóm của tôi lại và cùng nhau giải quyết”.

Với ước mơ, niềm đam mê, sự kiên định, nhiều công trình nghiên cứu đã ra đời làm thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại. Những câu chuyện thành công của các nhà khoa học như Richard Henry Friend , Đặng Văn Chí, Nguyễn Thục Quyên hay Albert P. Pisano đã truyền cảm hứng tới các nhà khoa học trên toàn thế giới. Đó cũng là cơ sở để nhân loại hy vọng vào những công trình nghiên cứu mới sẽ tiếp tục xuất hiện./.