Đảm bảo tính khả thi cho Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự

Cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Phòng thủ dân sự, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, thiết kế cơ cấu của Cơ quan chỉ đạo Phòng thủ dân sự theo hướng: vừa tổ chức Ban chỉ đạo chung, vừa giữ lại các Ban chỉ đạo, chỉ huy chuyên ngành. Ban chỉ đạo chung không làm thay nhiệm vụ các Ban chỉ huy, chỉ đạo nhánh.

Theo dự thảo Luật, Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất: Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc thu gọn bộ máy, quy định để có sự chỉ đạo thống nhất, phát huy hiệu quả cao nhất để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Tuy nhiên, nên chăng trong luật cần có 1 số quy định mang tính nguyên tắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Theo dự thảo Luật, khi chúng ta có Ban chỉ đạo về Phòng thủ dân sự thì các Ban chỉ đạo khác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, kể cả hệ thống chân rết ở địa phương và các bộ ngành sẽ không tiếp tục tổ chức nữa. Chúng tôi đề nghị tiếp tục rà soát."

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: "Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão chỉ huy, chỉ đạo, bây giờ tự nhiên lại chuyển thành Cơ quan chỉ huy Phòng thủ dân sự đi phòng chống bão thì nghe cũng là lạ và rồi cuối cùng không biết có làm được không?"

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu cơ cấu, tổ chức của Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Phòng thủ dân sự, trong đó làm rõ, nó là tổ chức lại hay hợp nhất hay vừa hợp nhất, vừa tổ chức lại.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Nên chăng nghiên cứu thêm vẫn giữ cái nhánh này, nó nằm trong tổng thể chỉ huy nhưng không làm mất cái nhánh này như là phòng chống dịch, PCTT, tìm kiếm CHCN hay PCCC , tức là từng Bộ, pháp luật đã có quy định như thế nào thì trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực đấy đã có, ví dụ QLNN về PCCC là Bộ Công an, Ban chỉ đạo không làm thay nhiệm vụ các BCĐ nhánh kia đâu. Chứ cơ quan sau này sẽ làm đầu mối cho toàn bộ Phòng thủ dân sự tôi hiểu đấy là Bộ Quốc phòng, như là phối hợp liên ngành có tính chất quốc gia và có những thảm họa, sự cố phải huy động đến tầm như thế mà các quốc gia người ta có Bộ Tình trạng khẩn cấp, thì nghiên cứu kỹ hơn và có quy định trong Luật này để đảm bảo tính khả thi."

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Về cơ quan chỉ huy chỉ đạo, ngay bản thân luật chuyên ngành đã có Ban chỉ đạo, vậy có ghép lại không hay để. Có nội dung ghép lại nhưng có nội dung không, thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, ở Trung ương có Ban chỉ đạo chung."

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động của các Ban chỉ đạo, chỉ huy ở Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, UBTVQH đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu luật hóa một số quy định liên quan đến cách thức, cơ chế điều động, phương châm 4 tại chỗ , trách nhiệm của người đứng đứng đầu ; các chính sách về đầu tư nguồn lực để xây dựng các lực lượng chuyên trách và phương tiện chuyên dùng.

Anh Đức