Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Sáng 25/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức phiên họp thứ 4. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Cùng dự Phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Tổ biên tập và các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý… 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, ngay sau phiên họp thứ 3, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện Dự thảo Đề án và tổ chức 3 hội nghị vùng để lấy ý kiến các thành ủy, tỉnh ủy trực thuộc Trung ương; tổ chức 8 cuộc làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với 9 cơ quan, tổ chức có liên quan. Các nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Đề án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, dân chủ, trên cơ sở khoa học, bám sát thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. 

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số nội dung còn có ý kiến nhau để các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến tại phiên họp lần này như: Cơ chế trưng cầu ý dân, quyền đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp, phúc quyết Hiến pháp của nhân dân; Đảm bảo quyền con người; Kiểm soát quyền lực Nhà nước; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Thống nhất nội hàm các khái niệm: quyền tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, độc lập tư pháp. 

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Đề án bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp 2013 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đề án được xây dựng công phu, khoa học, kỹ lưỡng, huy động được trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu; nêu được những nội dung cốt lõi từ 27 chuyên đề thành phần, có tầm nhìn và định hướng rõ nét.

Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các thiết chế và thể chế, làm rõ hơn nội hàm của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất; lưu ý việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; rà soát, bổ sung Hệ thống pháp luật về tư pháp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước. Các nội dung trong Dự thảo Đề án cũng cần được kiến giải rõ ràng, chính xác.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án: “Cái này là rất phải thận trọng, rất là kĩ lưỡng, ngay cả trong từ ngữ biên tập, nên bám sát tinh thần các nghị quyết Đại hội 13. Bởi vì Đại hội 13 không chỉ làm cho 5 năm mà còn có tầm nhìn tới 2030 - 2045. Về mục tiêu, tôi thấy cơ bản các đồng chí phải biên tập lại để nó khác giữa mục tiêu và quan điểm. Thực chất, mục tiêu tổng quan của nó là Nhà nước thiết kế và vận hành thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả Nhà nước pháp quyền XHCN. Mục tiêu tổng quát là cả vấn đề thiết kế và vấn đề vận hành".

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thống nhất cao về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Dự thảo Đề án, đồng thời khẳng định, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy ngày càng tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Nước NGUYỄN XUÂN PHÚC - Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án: “Về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ - đây là mô hình chính trị và chế độ vận hành tổng quát của chế độ ta, thể hiện rõ bản chất, đặc trưng của Nhà nước ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng cần tăng cường, đảm bảo sự thành lập của Đảng. Cho nên, Điều 4 của Hiến pháp 2013 vẫn cần được khẳng định lần nữa, trong vấn đề Đảng và Nhà nước chúng ta đảm bảo các điều kiện để nhân dân làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân, trong đó nhấn mạnh vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đảm bảo dân chủ, khách quan, khoa học, đến nay, nhiều nội dung của Đề án đã có sự thống nhất cao. Một số nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ tiếp tục được lấy ý kiến, nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để hoàn thiện Đề án.

Anh Tuấn