Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu Quốc hội băn khoăn chuyện tái định cư

Thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần có những giải pháp có tính khả thi, căn cơ đảm bảo đời sống cho người dân vùng giải phóng mặt bằng của dự án.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hơn 700km khi hoàn thành sẽ trở thành hành lang vận tải lưu thông hàng hóa rất lớn, thu hút đầu tư vào vùng; tăng cường kết nối liên vùng, đồng thời đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên theo một số đại biểu, khi triển khai dự án này, cần sử dụng diện tích đất rất lớn, chủ yếu đất sản xuất, đất nông nghiệp chiếm tới 77,5%. Đây cũng là nguồn sinh kế của rất nhiều người dân với khoản hơn 11 ngàn hộ, chiếm tới 75% tổng số hộ ở vùng dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư. Do vậy, đề nghị Chính phủ có những giải pháp khả thi, căn cơ nhằm đảm bảo đời sống cho người dân ở vùng dự án có được cuộc sống tốt hơn khi thực hiện chủ trương di dời, tái định cư.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc: "Làm sao đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong vùng giải tỏa, làm tốt công tác tái định cư. Nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ". 

Bà Hà Thị Nga - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết tốt việc chuyển đổi nghề cho người dân ở vùng dự án, có sinh kế bền vững để họ thực sự yên tâm khi thực hiện chủ trương.Đồng thời có chỉ đạo để các khối cơ quan vận động quần chúng, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tham gia ngay từ quá trình đầu tiên triển khai dự án, như giai đoạn công bố quy hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân tạo sự đồng thuận; tránh tình trạng khi xảy ra vấn đề rồi thì khối dân vận mới vào cuộc thì không giải quyết được gốc của vấn đề từ sớm”.

Giải phóng mặt bằng triển khai dự án trong nhiều năm qua, vẫn luôn là vấn đề nóng tại các địa phương. Trong đó, vấn đề "công bằng trong giải phóng mặt bằng"; vấn đề giải quyết sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất, đã được nhấn mạnh. Cùng với đó là vấn đề thực hiện cam kết với người dân như thế nào, sau khi người dân đã đồng thuận, chấp nhận thiệt thòi để đóng góp thực hiện dự án và sự phát triển chung. Do vậy, chính sách đến bù phải phù hợp.

Bà Tạ Thị Yên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Chưa nêu được rõ phương án di dân. Vì vậy, Chính phủ cần có sự quan tâm để thực hiện một cách đồng bộ các khâu, tính toán kỹ những vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng với sinh kế người dân, của hộ dân đã hiến đất. Đồng thời đảm bảo sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể giám sát chất lượng các dự án giao thông”.

Cần minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan trung ương cũng như địa phương trong quá trình triển khai các dự án giao thông này, như công bố thông tin, quá trình triển khai dự án; qua đó mới tạo ra niềm tin của người dân và được người dân ủng hộ, thì việc triển khai dự án giao thông sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra cần có tổng kết, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh phối hợp triển khai giữa các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Tránh tình trạng một tuyến đường có địa phương làm xong nhanh, có tỉnh lại vướng mắc, khiến ách tắc tiến độ của cả tuyến đường./.