Đắk Lắk: Cần tận dụng nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi

Tại Đắk Lắk hiện nay ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu từ các nơi khác khiến giá chi phí tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ không thiếu khiến mối liên kết giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi chưa thực sự bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 61 nghìn ha các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, sắn... ngoài việc dùng làm lương thực thì các loại cây trồng và phụ phẩm cây trồng ngắn ngày cũng rất phù hợp để chế biến thức ăn chăn nuôi cho hơn 14 triệu con gia súc, gia cầm của hơn 3.300 trang trại và 97.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại địa phương. Tuy nhiên do tại địa phương chưa tự sản xuất thức ăn chăn nuôi với số lượng và quy mô công nghiệp nên chủ yếu chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí đầu tư.

Có những nhà máy sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp để nông sản hoa màu của người dân trồng có đầu ra ổn định không còn phụ thuộc vào thương lái, để ngành trồng trọt phát triển song hành cùng ngành chăn nuôi là mong mỏi của người dân và các cơ quan chức năng địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2022 tỉnh Đắk Lắk tiêu thụ khoảng 280 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi thương mại. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng, các cấp ngành tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi cho phù hợp với ngành chăn nuôi.

Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư, để có thể phát triển đồng hành và bền vững giữa ngành trồng trọt và chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, các địa phương cũng nên chú trọng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, cơ giới hoá, ngành trồng trọt để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu với số lượng lớn, chất lượng ổn định mới có thể cạnh tranh được với nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, từ đó mới có thể chuyển dịch cán cân nhập khẩu của các công ty, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nhiệp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Việt Bảo