79% công việc sẽ được thay thế bởi máy móc trong tương lai, 65% học sinh tiểu học sau này sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa hề tồn tại và trong 3 năm tới 77% doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có kỹ năng số.
Những thông tin được các diễn giả đề cập đến trong buổi toạ đàm “Sự chuyển mình của giáo dục Đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai" vừa diễn ra tại trường Đại học Văn Lang.
Nhận định con người đang sống trong kỷ nguyên số, mọi thứ thay đổi liên tục khó đoán trước thế nên hầu hết lĩnh vực trong cuộc sống buộc phải thay đổi để thích ứng, trong đó có giáo dục Đại học. Vấn đề cốt lõi đó chính là các trường Đại học phải thay đổi như thế nào để đào tạo được những lao động lành nghề, có khả năng sáng tạo và thích ứng trước mọi biến đổi của môi trường làm việc. Trả lời cho vấn đề này, các diễn giả cho rằng, môi trường Đại học hiện nay nên trang bị thêm cho sinh viên kỹ năng phân tích, tổng hợp để khi ra trường, tham gia vào thị trường lao động sinh viên sẽ chủ động, thích nghi. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó chính là các trường Đại học phải luôn duy trì được tinh thần “học, học nữa” của sinh viên và cả giảng viên vì việc học không bao giờ là đủ. Các diễn giả nhấn mạnh, yếu tố chủ động, tự giác của sinh viên cũng không kém phần quan trọng; sinh viên của kỷ nguyên số phải phải biết cái gì quan trọng, cái gì thứ yếu, mình cần cái gì, mình muốn cái gì và làm thế nào để đạt được nó.
Thực hiện : Hải Triều Nguyễn Trình