Đại dịch Covid-19 làm kéo dài thời gian đạt mục tiêu bình đẳng giới

Đại dịch Covid -19 đã làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia. Làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thường trực UBXH đã đề nghị báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ rõ nét hơn khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực. Tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19.

Tiếp tục chỉ rõ những thách thức về triển khai thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục trong thời gian tới.

Bà NGUYỄN THANH CẦM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Thế giới cũng đánh giá đại dịch Covid ảnh hưởng trầm trọng, kéo dài thêm số năm chúng ta thực hiện mục tiêu BĐG thực chất. Cần có nghiên cứu giải pháp căn cơ xuyên suốt ở các bộ ngành để có thể khắc phục vấn đề này".

Báo cáo cũng cho thấy triển vọng cho công tác BGĐ khi các chương trình mục tiêu Quốc gia đều được lồng ghép nội dung này. Tuy nhiên, thực tế đến nay việc giải ngân cách chương trình mục tiêu đều chậm; do đó các ý kiến cũng đề nghị báo cáo Chính phủ cần làm rõ hơn về nguồn lực thực hiện, cũng như vấn đề tài chính cho công tác bình đẳng giới.

Ông ĐẶNG THUẦN PHONG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Thấy ngạc nhiên vì nhiều ngành không giải ngân được nhưng hiệu quả từ giảm nghèo lại rất tốt. Vậy sắp tới có cần tiền nữa không. Nên nhận diện thẳng vấn đề để đánh giá, có lồng ghép nhưng giải ngân chưa được như mong muốn, thì hiệu quả lồng ghép, chậm giải ngân có ảnh hưởng như thế nào đến BGĐ".

Bà LÒ THỊ VIỆT HÀ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Nguồn tài chính cho các hoạt động bình đẳng giới hiện nay có phù hợp không và việc quản lý sử dụng nguồn tài chính này có đúng mục đích không, hay chỉ tập trung cho tuyên truyền thôi. Cái này có liên quan sẽ ngân sách hàng năm hoặc trung dài hạn. Nhiều hoạt động không hiệu quả thì không nên đưa vào, tránh lãng phí". 

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị các bộ ngành có liên quan làm rõ tình trạng chậm giải ngân để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, đảm bảo hỗ trợ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở các cấp.

Việt Hà