Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề xuất có luật bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sáng 24/5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, muốn có đột phá phải có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Như vậy, chủ trương bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, bảo vệ lợi ích chung mới đi vào cuộc sống.

Về thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, ông Nguyễn Văn Cảnh - ĐBQH tỉnh Bình Định góp ý: "Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 nước ta có ngành công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 yêu cầu tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước bình quân khoảng 7%/năm. 

Ảnh hưởng của đại dịch làm tốc độ phát triển chậm lại, do đó trong thời gian còn lại, cần có những đột phá trong chính sách, trong công tác điều hành. Đột phá thường đi trước pháp luật, trái quy định pháp luật nhưng trong một số trường hợp phải bỏ qua để đạt kết quả cao hơn. Muốn đột phá và vẫn theo Hiến pháp, cần có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Luật này có thể xung đột với nhiều luật khác, nhưng nếu Quốc hội đồng ý, luật này sẽ có giá trị pháp lý cao hơn. 

Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ có 2 phần. Một là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc chưa được pháp luật quy định. Hai là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc trái với pháp luật hiện hành quy định và trong mỗi trường hợp đều có quy định tổ chức lấy ý kiến tập thể, ý kiến Mặt trận, xin ý kiến của cấp lãnh đạo, cấp trên khác nhau. Nội dung của các quyết định đó là vì lợi ích chung và phải mang lại lợi ích lớn. 

Ví dụ như quyết định đó sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng của địa phương tăng lên 1%, giúp cho ngân sách địa phương tăng thêm 10%, giúp đẩy nhanh hơn 50% tốc độ của các công trình hạ tầng quan trọng của địa phương. Những con số này cần được chứng minh một cách khoa học. Các quyết định đó cũng không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Và cuối cùng, các quyết định đó sẽ được tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đưa ra các quyết định đột phá, mang lại lợi ích để tạo sự lan tỏa trong xã hội".