Đại biểu Quốc hội: Thẩm quyền của PVN rất nhập nhèm, dễ phát sinh tiêu cực

Thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi) về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN trng phiên thảo luận sáng nay, một số đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo luận cần quy định cụ thể vai trò của PVN với tư cách là doanh nghiệp nhà nước và vai trò nhà thầu độc lập.

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: “Cả hai đặc điểm cơ bản này trong dự thảo luật chưa làm rõ, chưa tách bạch để thiết kế hành lang pháp lý cho phù hợp. Đây chính là hạn chế căn bản cần khắc phục theo hướng chuyển hóa đặc điểm và yêu cầu này vào nội dung ở Chương IX về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay từ xây dựng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến thiết kế chính sách đặc thù, có như vậy mới đảm bảo giải quyết hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng và bình đẳng trong hoạt động của PVN mà không xung đột với các quy định của các đạo luật khác.”

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Dự thảo dành chương riêng để đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của PVN và có tới 86 lần cụm từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xuất hiện. Không khéo dễ dẫn đến sự hiểu lầm là luật này dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi đề nghị đưa vào Chương I một điều khoản như luật năm 1993 nhưng làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam."

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đoàn Bến Tre cho rằng có quy định PVN đóng vai trò là nhà thầu, nhưng có quy định lại đóng vai trò là công ty mẹ, hoặc thậm chí là vai trò quản lý nhà nước. Do vậy đại biểu kiến nghị 3 giải pháp.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Thứ 1, khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào, ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?

Thứ hai, PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.

Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng dự thảo tại khoản 9 Điều 53. Theo đó, PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước khi tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN mua lại quyền quyền ưu tiên, mua lại quyền tham gia trong hợp đồng dầu khí.”

Một số đại biểu cho rằng thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công thương nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%. Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực. Do đó, cần nghiên cứu, phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng?

Sỹ Cường