Đại biểu Quốc hội lo "đoàn này đi, đoàn khác lại tới", khiến kết luận thanh tra chậm

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về những điểm còn khác nhau của dự án Luật Thanh tra vào sáng 25/10, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) nhắc đến thực tế đang có quá nhiều cuộc thanh tra, chưa kể các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương.

“Trong luật này, cụm từ "không chồng chéo, trùng lặp" được lặp lại nhiều lần, nhưng thực tế cho thấy tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra và ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương. Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới, thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương”, đại biểu Thúy bày tỏ lo ngại.

Nếu gắn thực trạng này với các quy định về thời hạn thanh tra đang có trong Dự thảo Luật Thanh tra, thì ảnh hưởng mà các địa phương phải đối mặt sẽ tăng lên.

Theo quy định tại Điều 45, cuộc thanh tra do Chính phủ tiến hành là không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày, mà đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì có thể gia hạn 2 lần không quá 60 ngày, như vậy cộng lại tối đa là 120 ngày, thành ra là 4 tháng.

“Tôi đề nghị nên chăng quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương, cụ thể là ở tại Điều 43 về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra”, đại biểu Thúy đề nghị.

Đề xuất này hoàn toàn khả thi, theo bà Thúy, khi nhắc đến thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã có quy định là không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp đánh giá cao, bởi như thế họ dành được nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh, Bà Thúy phát biểu tại Hội trường.

Việt Bắc