Đại biểu Quốc hội: Kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử gây bức xúc và lãng phí

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 15/09, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của ngành Kiểm sát, Tòa án. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về chất lượng quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Thẩm tra Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2022, ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKS.

Đối với công tác ngành Toà án, chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác cũng đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Nhưng, tỷ lệ giải quyết án hình sự, vụ việc dân sự và vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Ông LÊ MINH TRÍ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: "Trong quá trình thực hiện các biện pháp điều tra, truy tố, từng bước luật tố tụng cho phép thực hiện những biện pháp để đảm bảo chứng minh được tội phạm. Kết luận có tội hay không thì Tòa sẽ tuyên, trong quá trình làm, nếu có tình tiết mới, không cần thiết phải làm thì sẽ dừng lại để đảm bảo quyền con người. Thế thì áp dụng các biện pháp tố tụng được cho phép này thì chúng ta đừng dùng chữ oan, bởi vì trong một bản án có hiệu lực thi hành thì lúc đó mới có tội hay không tội, khi không tội mà nói là có tội mới là oan"

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “17 trường hợp bị oan, có dùng từ oan không thì theo luật bồi thường nhà nước. Nếu đình chỉ điều tra về không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm, thì trong luật bồi thường nhà nước xác định các trường hợp đó bị oan, phải bồi thường"

Một số đại biểu quan tâm đến chất lượng của các bản án ở một số địa phương còn chưa cao, việc kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử, gây bức xúc trong nhân dân, lãng phí nguồn lực xã hội.

Trung tướng NGUYỄN MINH ĐỨC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội: “Số vụ vi phạm quá hạn là bao lâu? Nhiều nhất là bao nhiêu năm? Loại án nào, tỉnh thành phố nào để vi phạm này nhiều, cần làm rõ để chúng ta truy đến cùng về trách nhiệm"

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội: “Qua giám sát ở các địa phương, Tòa, Viện, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhiều vụ án kéo dài, ở tất cả các khâu. Nhìn vào thì ai cũng nhận thức là nó gây lãng phí, nhưng để lượng hóa là bao nhiêu thì qua làm việc với tất cả các cơ quan tư pháp kể cả trung ương và địa phương đều không đánh giá được…thứ ba, qua nghiên cứu thực tiễn, ở một số tòa địa phương, chất lượng bản án, nhất là án sơ thẩm cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là án hành chính và án dân sự"

Ông NGUYỄN TRÍ TUỆ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “Về chất lượng một số bản án chưa cao, đây là vấn đề Tòa luôn cố gắng nâng cao chất lượng xét xử. Tuy nhiên trong năm 2022, tỷ lệ sửa, hủy, đạt trong tiêu chuẩn của Quốc hội cho phép. Điều đáng mừng là không có án oan"

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội.

Quang Sỹ