Đại biểu Quốc hội hiến kế để du lịch phục hồi, phát triển sau đại dịch

Du lịch thường được ví von là ngành công nghiệp xanh, không khói. Sau hai năm gần như đóng băng bởi đại dịch, du lịch đang từng bước được phục hồi, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng. Tuy nhiên, việc mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn nhiều hạn chế.

Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt phù hợp, kịp thời của Chính phủ, các giải pháp, kế hoạch của các địa phương được triển khai tích cực nên hoạt động du lịch trong những tháng qua đã dần sôi động trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước. Song có một thực tế là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022. Tuy nhiên, hết 4 tháng đầu năm, chúng ta mới đón được 102 nghìn khách, con số rất khiêm tốn so với 5 triệu. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch bị thiếu hụt nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 25% nhân lực hoạt động trong ngành, 75% đã chuyển sang công việc khác. Người lao động có tâm lý e ngại, không muốn quay lại do ngành du lịch thiếu tính ổn định.

Ông NGUYỄN DUY MINH - Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng:Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid trong ngành du lịch. Trong đó cần làm rõ những vướng mắc, những hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục. Nghiên cứu, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách, cải cách quy trình, thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do dịch, đảm bảo sát thực tế để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch quay trở lại với nghề; Chính sách bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng cho lao động ngành du lịch.”

Để ngành du lịch có thể tận dụng được cơ hội vàng, phục hồi và bứt phá sau đại dịch, đóng góp nhiều hơn vào GDP năm 2022, theo đại biểu cần một chính sách mở cửa linh hoạt hơn. Xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về visa. Quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất. Hiện tại, Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan miễn cho 65 nước, miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh. Indonesia miễn 30 ngày và có thể gia hạn thêm trước khi hết hạn.

Bà TRẦN THỊ VÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh: “Xin nêu 1 khảo sát nhỏ tại 1 công ty lữ hành tại Bắc Ninh. Được biết, người nước ngoài muốn đến Việt Nam, khi xin thị thực điện tử e-visa, bắt buộc phải mua chương trình tour thông qua các công ty du lịch trong danh sách chỉ định. Khi công ty phát hành giấy bảo lãnh thì du khách mới xin được visa. Nhiều khi khách phải chờ visa điện tử rất lâu nhưng chưa chắc đã nhận được nên phải hủy vé. Với những bất cập như thế, du khách sẽ không chọn đến Việt Nam mà thay vào đó họ sẽ chọn đến các quốc gia thông thoáng hơn về visa. Chính vì vậy, Việt Nam cần tăng cường mở cửa thông qua chính sách miễn thị thực, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 đến 30 ngày, áp dụng thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần, giảm giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành và du khách, đơn giản hóa trong cấp thị thực điện tử e-visa và thị thực tại cửa khẩu.”

Bên cạnh đó đại biểu cũng kiến nghị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần xây dựng một chương trình quảng bá chuyên nghiệp, bằng việc áp dụng công nghệ và tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam. Cần chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch.