Đại biểu Quốc hội đề xuất 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế

Chiều 8/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đây được xem là "luật xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở, cán bộ y tế. Cũng vì thế rất nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi của dự thảo Luật đã được các đại biểu tâm huyết đề cập, nhằm giải quyết những tồn tại và yêu cầu bức thiết đặt ra của ngành y tế; trong đó có vấn đề cơ chế tài chính bệnh viện công, chính sách của Nhà nước đối với cơ sở y tế tư nhân, hay vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, xã hội hóa y tế. 

Nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, cho rằng đây là vấn đề phức tạp của ngành y, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Ở Điều 106 về giá khám bệnh, chữa bệnh; Khoản 1 là giá khám, bệnh chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí, tính đầy đủ các yếu tố chi phí. Như vậy, tính đầy đủ mới là đủ, còn chưa đúng, ví dụ, có 10 mục tôi đưa vào 10 mục nhưng giá tôi nâng cao lên, như vậy là không đúng. Vì vậy, tôi đề nghị sử dụng đúng ngôn từ là "tính đúng, tính đủ".

Nhấn mạnh cơ chế tài chính của bệnh viện công là nội dung hết sức quan trọng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội đề nghị, nội dung này cần được làm rõ ràng minh bạch để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý.

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu, nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính. Bản dự thảo cuối cùng của luật sửa đổi tôi chưa thấy có điều riêng cho nội dung này. Về nội dung cụ thể, tôi xin có ý kiến bổ sung vào Điều 4 chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh như sau: Bổ sung thêm cụm từ "đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển" vào ý đầu tiên của Điều 4 "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển". Bổ sung thêm khoản 8 vào Điều 4 giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở y tế về vay vốn, miễn giảm thuế, bổ sung kinh phí khi nguồn thu bị sụt giảm không đảm bảo chi cho các hoạt động của cơ sở y tế."

Góp ý về chính sách của Nhà nước về khám, chữa bệnh quy định tại Điều 4, đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn Cà Mau cho rằng, quy định này còn hình thức, nếu thực hiện trong thực tế sẽ rất vất vả và có thể dẫn đến sai phạm. Đại biểu đề xuất cần có riêng một chương về chính sách cho thành phần kinh tế tư nhân.

Ông ĐINH NGỌC MINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: "Quy định một chương riêng cho phát triển y tế tư nhân thì trong đó phải quy định rõ được chính sách về đất đai như thế nào? Các tỉnh phải quy hoạch hệ thống đất đai cho các bệnh viện tư nhân để phát triển, để xây dựng, chính sách thuế như thế nào, thủ tục hành chính như thế nào, về bảo hiểm như thế nào. Nếu bệnh viện mà vì lợi nhuận thì thế nào? Bệnh viện không vì lợi nhuận thì thế nào? Đề nghị có một chương riêng và không thể quy định ở khoản 4 có 7,5 dòng như thế này."

Quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn Bình Định kiến nghị bỏ cụm từ “xã hội hóa y tế”. Theo đại biểu, không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận. Cũng vì thế đại biểu đề xuất 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế.

Ông NGUYỄN LÂN HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: "Hình thức thứ nhất, đó là hình thức cho vay. Hình thức thứ hai, theo tôi đề xuất là hình thức thuê. Hình thức thuê đã có nhưng hiện nay chưa rõ ràng. Chúng ta quy định đây là một hình thức để các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể thực hiện. Thứ ba là hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Đây là hướng mà trên thế giới người ta triển khai từ rất lâu và rất thành công."

Nhiều ý kiến đề nghị nên thông qua dự án Luật theo quy trình 03 kỳ họp. Bởi đây là dự án luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ. Các cơ quan vì thế cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra.

Tiến Dũng