Đại biểu Quốc hội đề nghị luật hóa mô hình bác sỹ gia đình

Trong giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình này. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý, luật hóa nội dung này trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận sáng 13/6.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình bác sĩ gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết đây là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở bệnh viện. Tuy nhiên thực tế đang cho thấy, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều vướng mắc.

Bà NGUYỄN THỊ HUẾ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình, chưa xây dựng được được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân, phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình.”

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và hoạt động hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình tại một số quốc gia, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến. Đại biểu đề nghị cần luật hóa mô hình này trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bà LÊ THU HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: “Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đổi với một số quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện cho hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, thay đổi cách tiếp cận về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, sửa đổi điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, quy định tài chính trong khám, chữa bệnh, ngân sách Nhà nước công tác khám, chữa bệnh…. đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình cho các nội dung sửa đổi này.”

Để hoàn thiện mô hình này, các đại biểu cũng đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động. Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bệnh, ngoại trú.