Đại biểu Quốc hội chỉ ra căn nguyên sâu xa và giải pháp cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Làm gì để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào hiệu quả, thực chất, không chỉ là sự hô hào, hình thức. Làm gì để có thể sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực của đất nước, không để lãng phí có cơ hội hiện diện ở cả những lĩnh vực hữu hình cũng như “vô hình”. Đây cũng là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bày tỏ sự băn khoăn trước câu hỏi tại sao trong khu vực công, hiện tượng lãng phí luôn xảy ra nhiều hơn, trầm trọng hơn khu vực tư. Đại biểu chỉ ra rằng, căn nguyên sâu xa chính là lối sống thực dụng, ích kỷ chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể, dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Có một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành mọi quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức, đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên. Cho nên theo tôi, bên cạnh việc chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người và đối tượng không chỉ là cho học sinh các trường phổ thông"

Bà SIU HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: “Theo tôi, trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì yếu tố đầu tiên phải đề cập đến là nhân tố con người quyết định đến tính hiệu quả của chương trình. Vì vậy, trong vấn đề này tôi đề nghị đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tùy vào lĩnh vực mà xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp. Qua báo cáo giám sát thể hiện rất rõ việc vi phạm pháp luật ở nhiều cấp độ, khía cạnh nhưng tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích như quản lý tài sản công, lĩnh vực đất đai."

Các đại biểu cũng nhận định, trên thực tế, thất thoát, lãng phí còn có thể lớn hơn rất nhiều so với những con số được thể hiện trong báo cáo. Sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình, với sức tàn phá, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, thậm chí là kéo lùi sự phát triển. Những lãng phí này cũng cần phải được nhận diện để kịp thời điều chỉnh.

Ông LÊ MINH NAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Bên cạnh cần tập trung phòng, chống lãng phí do vi phạm quy định pháp luật, trong đó cũng cần lưu ý quan tâm phòng, chống lãng phí ở những nội dung mà nếu chỉ bằng công cụ pháp luật thì vẫn khó quản lý do đặc tính nội hàm của tính hiệu quả là rất linh hoạt, gắn với từng bối cảnh, hoàn cảnh và thời điểm cụ thể, tóm lại là những "điểm mờ" trong quản lý, thì cần phải đặc biệt quan tâm, thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”

Các đại biểu cũng tán thành đề nghị từ năm 2023 phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong Nhân dân. Điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, hiệu lực, thực chất và đạt được nhiều thành tựu cao hơn.