Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Rào cản về học phí khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau trong đào tạo tiến sĩ

Nếu như bậc học cử nhân ở nước ta có rất nhiều chương trình học bổng, hỗ trợ chi phí, vay vốn đào tạo,… thì bậc học tiến sĩ hoàn toàn ngược lại. Có rất ít chương trình hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh, xong đòi hỏi về thời gian, công sức ở bậc học này lại vô cùng nặng nề.

Phần lớn nghiên cứu sinh là người đã có công việc ổn định, nên được cho là có khả năng tài chính tốt hơn. Tuy nhiên thực tế, điều này còn gia tăng áp lực với nghiên cứu sinh nhiều hơn.

Vừa thực hiện công việc giảng dạy đại học, vừa theo học chương trình đào tạo tiến sĩ, vừa xoay xở với đời sống riêng, chị Phượng luôn trong trạng thái chạy đua với những đầu việc. Không chỉ eo hẹp về thời gian, chị còn phải xoay xở về tài chính khi học phí một năm khoảng 25 triệu, chưa kể các chi phí nghiên cứu thực địa khác.

Hỗ trợ về chi phí, học bổng cho nghiên cứu sinh là vấn đề liên tục được đặt ra tại các buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với các cơ sở giáo dục đại học. Học bổng dành cho hệ cử nhân rất nhiều nhưng học bổng dành cho đào tạo tiến sĩ hầu như thiếu vắng, trong khi chi phí học tập ở bậc học này lại cao. Thời gian học kéo dài từ 3-4 năm, không kém gì các bậc học khác.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến học viên, nếu không vì đòi hỏi nghề nghiệp, thì không mặn mà với việc học tiến sĩ, dẫn đến đầu vào hạn chế, khó tạo nguồn và phát triển nhân tài.

Vừa hoàn thành công trình nghiên cứu, vừa hoàn thành công việc đương nhiệm, vừa cân bằng đời sống riêng đòi hỏi quỹ thời gian và công sức rất lớn, nhiều nghiên cứu sinh không thể kịp hoàn thành công trình theo tiến độ mà phải gia hạn đào tạo. Gia hạn đào tạo đồng nghĩa gia tăng chi phí. Gia tăng chi phí đi kèm với gia tăng áp lực. Vòng luẩn quẩn này đã và đang khiến cho nhiều nghiên cứu sinh bỏ cuộc.

Đỗ Minh