Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai): Kiêm nhiệm, bác sĩ vào phòng mổ còn phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B

Thảo luận Dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), một số đại biểu thẳng thắn cho rằng, ngành y tế đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Trong đó, pháp luật, thể chế không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Theo đó, các đại biểu đề nghị, việc sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh lần này phải giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, cũng là một bác sĩ với thâm niên 40 năm trong nghề chỉ rõ, trong 2 năm đại dịch COVID càn quét, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Chưa bao giờ tôi thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Những quy định của luật pháp không còn phù hợp để chống dịch, đã bó tay ngành y, đã không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp. Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vươn lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi”.

Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch, trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân thì dường như đang bất lực, buông xuôi.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn vì họ còn phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra và thế là hoạt động khám, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân, cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó”.

Chỉ rõ bất cập, hiện nay nước ta là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm giám đốc bệnh viện công trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành quản trị hoạt động bệnh viện, dẫn đến những bất cập trong quản lý.

Ông NGUYỄN CÔNG LONG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực nhiệm vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành được cả 2 nhiệm vụ. Chúng ta thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó và ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó thì có vô số những lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt. Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”. 

Để “điều trị” dứt điểm những tồn tại, bất cập này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh./.