Đại biểu Quốc hội lo khó xác định giá đất sát giá thị trường

Thảo luật về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề cập tới vấn đề tài chính về giá đất. Theo đại biểu, đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó.

>> Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Đề cập về tài chính về giá đất tại Chương 11, dự thảo Luật đã bỏ khu đất đai, khung giá đất của Chính phủ, đại biểu cho rằng, đây là nội dung sửa đổi quan trọng, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó. Do đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai.

Liên quan đến quy định đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn với tài sản gắn liền với đất, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên. Về hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại Điều 234, dự thảo Luật có ba hình thức hòa giải: tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại tòa án.

Đại biểu đề nghị chỉ cần quy định các bên được lựa chọn hòa giải, có thể hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án hoặc khởi kiện ra tòa. Hòa giải tại tòa án thì do hòa giải viên thực hiện, nếu giải quyết không thành thì thụ lý giải quyết theo tố tụng. Đại biểu cho rằng, quá trình giải quyết theo tố tụng tại tòa vẫn tiếp tục hòa giải nên vẫn đảm bảo được ý kiến của các bên nếu thống nhất được với nhau.

Việt Bắc