Đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu, hỗ trợ nhà ở cho người lao động sau đại dịch

Quan tâm đến vấn đề lao động việc làm khi thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến ĐBQH nhấn mạnh: Người lao động là tài sản quý giá của đất nước. Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này thì Chính phủ cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng, trong đó người lao động phải được đặt vào trung tâm của các chính sách, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo các đại biểu trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người lao động được ban hành, nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch. Vì vậy lúc này người lao động vẫn đang cần được tiếp thêm giải pháp hỗ trợ, cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Tuy nhiên, trước hết Chính phủ cần đánh giá lại tình hình  thực hiện các chính sách hỗ thời gian qua để có giải pháp cụ thể tiếp theo.

Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: “Sớm tổng kết, đánh giá tình hình kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68. Xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội cũng như khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.”

Nhiều đại biểu phân tích, trong 2 năm 2020 và 2021 ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến tỷ lệ lao động thiếu việc làm và thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm sút dẫn đến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đến thời điểm này việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000 tương đương với 200 USD, so sánh với các quốc gia trong khu vực thì mức lương tối thiểu này vẫn còn thấp. Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.”

Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 của Chính phủ rất đúng đắn và nhân văn nhưng lại triển khai chậm, tỉ lệ người lao động được thụ hưởng rất thấp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông Đoàn Bình Thuận đề nghị Bộ Lao động thương binh và xã hội cần báo cáo cụ thể và có giải pháp tháo gỡ sớm nhất. Đại biểu cũng nêu lên thực trạng vấn đề nhà ở của công nhân rất ít được quan tâm, dù pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Do đó đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp thực tế đất nước để triển khai.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh  Bình thuận: “Tại Việt Nam, có thể xem xét kếp hợp theo hướng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của chủ đầu tư cho thuê theo giá thị trường và Nhà nước bù phần chênh lệch giá thuê cho công nhân, người lao động theo chính sách xã hội của mình được hay không. Đề nghị Chính phủ sớm đánh giá một cách toàn diện và cụ thể vấn đề giải quyết nhà ở công nhân, người lao động để sớm  tháo gỡ những bất cập để những chủ trương đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người công nhân, người lao động được thực hiện hoá".

Ngoài ra nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua Nghị quyết số 43 của Quốc hội hết sức kịp thời và cần thiết vào thời điểm ban hành; Tuy nhiên, cho đến nay lại chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu.