Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương hơn nữa phân bổ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương hướng dẫn kịp thời, sớm bố trí vốn về địa phương để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia là yêu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV.

Khẳng định ba chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội đã thông qua có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội, do vậy các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm trễ việc phân bổ vốn cho các chương trình này.

Ông PHẠM HÙNG THẮNG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
“Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương từ khá sớm, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn được Quốc hội thông qua từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV. Nhưng cho đến nay, việc triển khai phân bổ vốn chỉ vừa mới được quyết định ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 3. Cử tri rất quan tâm và mong muốn Chính phủ khẩn trương hơn nữa đối với 3 chương trình mục tiêu này nhằm hỗ trợ không chỉ cho từng hộ gia đình mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ.'”

Bà LÝ THỊ LAN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang
“Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương hướng dẫn kịp thời, sớm bố trí vốn về địa phương để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các chương trình tại cơ sở đến với người dân. Nếu không tôi e rằng chương trình đầy nhân văn và ý nghĩa của Đảng và Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không thể đạt được tiến độ và ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra. Đồng bào và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang rất mong mỏi và chờ đợi từ chương trình này để cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.”

Nhấn mạnh việc đảm bảo mục tiêu bền vững trong thực thi các chính sách xã hội là hết sức quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Vì vậy các đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hàng năm dành sự quan tâm cho việc bố trí, phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Bởi đây là những lĩnh vực tuy hiệu quả chính sách không trực tiếp tác động tức thời ngay đến sự tăng trưởng kinh tế nhưng tác động về lâu dài, hiệu quả các chính sách sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của quốc gia, điều đó đồng nghĩa với việc trong quá trình tăng trưởng kinh tế có sự đồng bộ với các chính sách xã hội.