Đã đến lúc Trung Quốc triển khai biện pháp phòng dịch mới?

Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp khi những ngày gần đây liên tục ghi nhận số ca mắc mới kỉ lục. Trước tình hình này, chính quyền Trung Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn và vẫn tuân thủ chính sách “Zero-covid”.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng liệu đã đến lúc Trung Quốc cần có cách tiếp cận khác trong phòng chống dịch Covid? Đây cũng là nội dung được báo chí thế giới đề cập, phân tích.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ South China Morning Post, tác giả cho hay, Trung Quốc đang “tự dồn mình vào ngõ cụt” khi liên tục nói rằng phải tuân thủ chính sách “Zero-covid” để bảo vệ người dân. Trên thực tế, việc phong tỏa toàn bộ khu vực, cách ly hàng loạt và xét nghiệm PCR thường xuyên vô cùng tốn kém để có thể duy trì. Đối mặt với biến chủng Omicron, các biện pháp này đang cho thấy sự thiếu hiệu quả.

Một bài viết trên tờ Wall Street Journal có nhan đề “Số ca nhiễm covid-19 ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát mới”. Theo bài viết, tình hình hiện nay đang thử thách nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn virus bằng các biện pháp phòng dịch có mục tiêu hơn và tránh gây tổn hại hơn cho nền kinh tế. Tác giả bài viết nhận xét, sự kết hợp của nhiều động thái phản ứng nhanh và đôi khi không thể dự đoán trước đối với các đợt bùng phát mới nhất, cùng với nhiều hạn chế khác, đã khiến việc đánh giá chính xác tác động của Covid-19 hoặc những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý IV/2022 từ 2,8% xuống 2,4% và hạ mục tiêu cho năm 2023 xuống 4,0% từ 4,3%, và cảnh báo thiệt hại kinh tế sẽ còn kéo dài.

Tuy nhiên, một bài bình luận trên Tân hoa xã có tiêu đề “Việc tinh chỉnh các biện pháp ứng phó với Covid-19 đã làm nổi bật triết lý lấy con người làm trung tâm của Trung Quốc”, nhấn mạnh các biện pháp mới giúp cho việc phòng chống dịch diễn ra khoa học hơn và chính xác hơn, phù hợp với tình hình hiện tại và đặc điểm của các biến thể virus. Tác giả khẳng định, “không có hệ thống và biện pháp ứng phó với Covid-19” nào là hoàn toàn tối ưu vì virus luôn biến đổi và bất ổn vẫn còn ở phía trước. Nhưng điều này không nên bị hiểu sai, Trung Quốc vẫn kiên định tuân thủ chiến lược chung và theo đuổi chính sách “Zero-covid”. Nguyên tắc phát hiện sớm, báo cáo, cách ly và điều trị cần được tuân thủ nghiêm để hạn chế quy mô và giảm thời gian ứng phó với dịch bệnh.

Ngọc Anh