• 1626 lượt xem
  • 06:32 03/07/2022
  • Văn hóa

Đa dạng hóa hình thức quảng bá Bảo vật Quốc gia để rút ngắn khoảng cách giữa Bảo vật với công chúng

Một trong những yếu tố quan trọng để rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với di sản chính là công tác quảng bá. Đặc biệt, đối với những hiện vật đơn lẻ, phân bổ dàn trải trên nhiều tỉnh thành như Bảo vật Quốc gia thì công tác quảng bá lại càng cần phải được đặt lên hàng đầu.

Thời gian qua, việc quảng bá các bảo vật Quốc gia vẫn chủ yếu là trưng bày, triển lãm theo chuyên đề, giới hạn cả về không gian lẫn thời gian. Trong khi đó những hình thức quảng bá mang tính đại chúng hơn như xuất bản sách, in tem, tranh ảnh thì mới mới chỉ bước đầu tiếp cận. 

Cuốn sách Bảo vật Quốc gia tỉnh Bắc Ninh này được Bảo tàng Bắc Ninh biên soạn và xuất bản vào năm 2018. Trong cuốn sách này chứa đựng những thông tin cơ bản nhất về 13 Bảo vật Quốc gia tại tỉnh Bắc Ninh – một trong những địa phương có số lượng Bảo vật Quốc gia nhiều nhất, nhì cả nước.

Bà NGUYỄN THỊ TRỌNG – Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh: “Với cuốn sách này thì bảo tàng đã giới thiệu toàn bộ các Bảo vật Quốc gia được xếp hạng từ trước tới năm 2018. Mục đích biên soạn cuốn sách này là chúng tôi cũng muốn tuyên truyền quảng bá giới thiệu các cái độc bản của tỉnh Bắc Ninh tới đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh, qua đó gửi gắm và mong nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý.”  

Việc xuất bản cuốn sách này của Bảo tàng Bắc Ninh đã nhận được sự đánh giá cao của giới nghiên cứu cũng như của các đồng nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp và vì vướng mắc cơ chế nên cuốn sách này chỉ xuất bản với số lượng rất ít và phục vụ chủ yếu để tỉnh dành tặng khách quí. Cơ hội để những tài liệu tham khảo có tính chính thống, khái quát đầy đủ như thế này tới tay công chúng là gần như không có.

Bà NGUYỄN HỒNG MINH – Cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh: “Điều kiện kinh phí của bảo tàng lúc đó là rất hạn hẹp nên là việc xuất bản sách rất hạn chế, ưu tiên cho các khách ngoài tỉnh là nhiều. Vì bảo tàng cũng không được kinh doanh, xuất bản, việc xuất bản thì được nhưng không được bán sách nên nhiều người cũng muốn tìm hiểu nhưng đến thời điểm này thì bảo tàng cũng chưa xin được kinh phí để tái bản cuốn sách này.”

Với tính chất là những hiện vật đơn lẻ, phân bổ dàn trải trên nhiều tỉnh thành, thời gian vinh danh chưa đủ dài, nên việc công chúng tiếp cận với các bảo vật không phải là dễ. Chính vì vậy, việc quảng bá các Bảo vật Quốc gia cần phải tiến tới đa dạng nhiều hình thức chứ không chỉ bó buộc trong việc trưng bày, triển lãm hay xuất bản sách theo kiểu giới hạn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN QUANG KHẢI: “Các cái bảo vật này nó khó như thế này , người dân người ta cũng không hiểu lắm, chủ yếu tuyên truyền trong giới học thuật thôi. Theo tôi cần phải tuyên truyền sâu hơn nữa trong giới học sinh sinh viên, những người có liên quan đến văn hóa, tới kiến thức. Cái này thì Bắc Ninh đã làm nhưng vẫn chưa tương xứng với vốn văn hóa đã có.”

Tháng 7/2021, Công ty Tem Việt Nam đã phát hành bộ tem 'Bảo vật Quốc gia Việt Nam: Đồ vàng" với 4 mẫu, in hình các bảo vật từ thời Trần, Nguyễn và được đúc bằng vàng. Đó là các bảo vật: ấn ''Sắc mệnh chi bảo", ấn vàng ''Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo", hộp xá lị Tháp Nhạn và hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử. Việc phát hành tem này đã minh chứng, việc quảng bá Bảo vật Quốc gia là không có giới hạn, chủ yếu phụ thuộc vào định hướng và tâm huyết của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị của Bảo vật Quốc gia. 

Anh Thư