Cuốn sách tôi chọn: Vườn mộng - Tác phẩm của người lính viết về người lính

Trong chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng qúy vị một ấn phẩm của Nhà xuất bản Thanh Niên, đó là tuyển tập truyện ngắn mang tên “Vườn mộng”, qua phần trò chuyện của chính tác giả - nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ được ghi nhận như một “hiện tượng” trên văn đàn Việt Nam. Một cây bút vạm vỡ, tài hoa, với những câu văn đầy sức nặng - mà nói như nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy - thì “Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn bởi nó sinh sắc, cái sinh sắc nhờ vào chất sống ròng ròng, cái chất sống hiện hữu nhờ vào các chi tiết đắt giá”. Cô đọng, nhiều tầng nghĩa, biểu cảm mạnh mẽ, và ắp đầy cảm xúc. 

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ: “Vườn mộng” là tập mà có những tác phẩm ngay từ đầu tôi bắt đầu bước vào làng văn học, và nó rất là có duyên với bạn đọc, có duyên với độc giả hôm nay. Những tác phẩm đầu tiên tôi viết đều là về người lính. Cuốn này nó dẫn lại những tác phẩm đầu tay là “Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương”. Đó là câu chuyện có thật, là máu thịt của mình, và nó cũng là quan điểm của mình về chiến tranh. Không có ai muốn chiến tranh cả! Nhưng mà cái gì, cái gì đã giữ chân người lính bị thương quyết định ở lại, không trở về theo như lệnh xuất ngũ? Thì đấy là những điều tôi muốn lý giải về cuộc chiến. Tôi là người trong cuộc, đã tham gia 11 năm chiến tranh, và tôi hầu như tất cả là đều trực tiếp chiến đấu. Vấn đề rất quan trọng mà cuộc đời một anh lính tham gia 11 năm chiến trận nhận ra là hòa bình nó lấp lánh, nó trân quý biết bao nhiêu, mà chúng ta cần phải gìn giữ. Tôi không muốn cầm súng! Tôi muốn cầm bút! Tôi muốn sống êm đẹp như ngày hôm nay.

Ở trong tập sách này có những cái nhìn cặn kẽ hơn về chiến tranh. Tôi có in thêm “Mùi thuốc súng”. “Mùi thuốc súng” nhìn vào sự đổ vỡ về tâm hồn mà chiến tranh gây nên cho từng người; nhưng quan trọng hơn, ở trong “Mùi thuốc súng”, người lính khi đã đóng góp cho nền độc lập của dân tộc rồi, còn cao hơn nữa là biết vượt qua những đau khổ có tính chất cá nhân, để làm người thánh thiện hơn. Những người lính chiến trận đã hy sinh cả cuộc đời mình rồi, thì họ cũng sẵn sàng hy sinh cái thân phận của cá nhân một lần nữa cho gia đình họ. Tôi thì luôn nghĩ: Anh nói là anh yêu Tổ quốc ư? Anh nói là anh yêu đồng bào, mà anh không biết yêu những con người xung quanh, biết tha thứ cho vợ con anh, biết tha thứ cho chính cha mẹ anh chẳng hạn, nếu như cha mẹ có lỗi lầm… thì đấy là người không thể nào yêu được Tổ quốc. Tất cả những cái suy nghĩ về hậu chiến, tôi đều gửi gắm trong đó cả. Nhưng mà hình ảnh người chiến sĩ vẫn rất đẹp. Cuộc chiến tranh nó được phản ánh một cách đầy bi kịch, nhưng nó thực tế. 

Tập “Vườn mộng” rất có tính nhất quán khi phản ánh về người lính. Nó còn rất nhiều câu chuyện khác nữa, kể cả thân phận những người lính phải xuất khẩu lao động đi nước ngoài, thì họ suy nghĩ gì về đất nước, suy nghĩ gì về lý tưởng? Hơn nữa, không chỉ người lính mà với tất cả con dân, chúng ta nghĩ gì để giữ gìn nền hòa bình hiện tại? Tập “Vườn mộng” này nói lên quan điểm về sáng tác. Ở đây muốn nói là người nghệ sĩ phải biết tưởng tượng, nhưng không được tách rời thực tế. Nếu mà tách rời thực tế, anh sẽ trở thành những cái nghệ thuật “sa-lông”, nó sẽ tách rời với nhân dân, tách rời với bạn đọc. Bởi vì thực tế luôn có những giá trị nhất định, để làm khởi lên tâm hồn của người viết, và nó làm nên sự rung động trong tâm hồn. Sự đánh động của thực tiễn đối với tiếng ngân ở trong tim mỗi một người cầm bút nó mới tạo nên những tiếng khánh vàng, để va đập được với bạn đọc. Khi bạn đọc đọc chậm thì sẽ nhận ra những thông điệp của tác giả - một nhà văn đã kinh qua chiến đấu như thế, đã nhận thức được cuộc chiến tranh như thế, để đưa hình ảnh người lính lên như thế nào. Chính tập “Vườn mộng” nó quán xuyến toàn bộ vườn văn chương của Nguyễn Văn Thọ.

Minh Công