• 4661 lượt xem
  • 15:13 18/05/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Trường Sơn huyền thoại"

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 63 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách "Trường Sơn huyền thoại" của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, một người đã có 6 năm ở chiến trường Trường Sơn.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Kiền: “Ngày xưa thì không có điều kiện, bấy giờ chiến tranh ác liệt lắm, bây giờ hòa bình quay lại đường Trường Sơn năm xưa mới thấy là cần phải viết cuốn sách về những năm tháng ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, những năm tháng ở Bộ Công binh sang và khi về Hội Trường Sơn, tức là suốt từ năm 1970 cho đến nay, hơn 50 năm sang Lào rất nhiều lần, đặc biệt là thăm lại chiến trường xưa thì thấy là ý nghĩa rất lớn, trong chiến tranh tầm thấp, bấy giờ mình chỉ là anh trợ lý thôi, bây giờ tầm là Tư lệnh Công binh, sau đó là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn bây giờ quay lại nhìn thì tầm nhìn cao hơn.

Tôi xem lại các sách người ta viết thì thấy nếu mình không viết thì thiếu sót, tôi viết cuốn sách Trường Sơn huyền thoại dẫn dắt ra từ năm 1959 lật cánh sang, tôi phải thống kê ra đường dọc ra sao, đường ngang thế nào, vận chuyển ra sao để con cháu chúng ta hiểu đánh Mỹ như vậy không có đất Lào không đánh được Mỹ, phải thống kê được các loại đường, có đường đi bộ đầu tiên, đường ô tô thứ hai, đường sông thứ 3, đường ống xăng dầu thứ 4, đường dây trần thứ 5. Đường ống xăng dầu từ năm 1968 ta bắt đầu làm cho đến năm 1975 là chúng ta hoàn thành toàn bộ, kỳ công lắm, tất cả các nước khác không ngờ Việt Nam lại có con đường ống xăng dầu làm như vậy, vượt qua đỉnh núi cao hơn 1000m, Đường Trường Sơn huyền thoại, đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại.

Trên từng loại đường địch đánh ra sao, bộ đội ta dùng phương pháp nào để duy trì được, tổ chức lực lượng vận chuyển, về mặt chiến thuật. Bộ đội Trường Sơn rất đông, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, giao liên, giao liên rút ra gì của giao liên rồi bộ đội phòng không, lực lượng bộ binh, kho tàng, quân y, lực lượng sửa chữa, văn học nghệ thuật. 

Toàn diện các loại đường, toàn diện các lực lượng, toàn diện các phương pháp để bảo đảm và các khó khăn hy sinh của từng lực lượng một, đọc cuốn sách này nên hình dung là Trường Sơn nó phải như thế, đầy đủ như thế, sau đó tôi phải viết tiếp các con đường phối hợp khác. Đến năm 1973, hiệp định Paris ký kết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên bấy giờ chỉ là đại tá thôi, ông đã nghĩ thế này, chúng ta sẽ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lúc bấy giờ thì Việt Nam, Lào, Campuchia là 3 nước khác nhau, làm thế  nào để đưa hài cốt liệt sĩ bên Lào là chính. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã tổ chức quy tập mộ liệt sĩ ở chiến trường Lào, Campuchia về Việt Nam, sớm thành lập nghĩa trang Trường Sơn, chưa thống nhất đất nước, một tầm nhìn lớn và tấm lòng của người chỉ huy,  nhất tướng công thành vạn cốt khô, một người lên tướng được thì hàng vạn người hy sinh, ông nghĩ đến cái đó, ông thành lập nghĩa trang Trường Sơn, tôi viết một bài "Nghĩa trang Trường Sơn". Tôi có viết về Lào giúp Việt Nam, Việt Nam giúp Lào, trong này viết hết, viết giúp cái gì, giúp ra sao trong đó có câu chuyện hai cháu bé Việt Lào được bộ đội Việt Nam cứu đưa vào trong này. 300 trang thôi nhưng toàn diện, hệ thống.”

Cao Hoàng