Cuốn sách tôi chọn: Trời là ta ở tột cùng nhân bản - Nỗi niềm của những gia đình có con tự kỷ

Có thể nói, nữ nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu là một người đi nhiều, viết khỏe. Cùng lúc chị có thể vừa dịch tác phẩm sang tiếng Anh, vừa viết tiểu thuyết, vừa viết truyện ngắn… Tập truyện ngắn gần đây của chị “Trời là ta ở tột cùng nhân bản” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành được xem là một trong những tập truyện ngắn mang lại nhiều rung cảm đặc biệt cho bạn đọc.

"Trời là ta ở tột cùng nhân bản" là 1 tập truyện ngắn bao gồm 18 truyện cùng chung một đề tài về hoàn cảnh các cháu bé bị tự kỷ. Tác giả đã từng đi thực tế 6 năm ở một trung tâm huấn luyện và điều trị cho trẻ tự kỷ. Qua 6 năm ở đó thì tác giả Kiều Bích Hậu đã đến và không chỉ là quan sát theo dõi các em học tập ăn uống sinh hoạt chung mà còn ở lại một số đêm để xem ban tối các cháu ngủ như thế nào, sinh hoạt tối như thế nào và đó là những hoàn cảnh gia đình cực kỳ thách thức. Và đấy là những câu chuyện vừa đau thương vừa nhiều sự tan vỡ nhưng cũng có nhiều niềm hy vọng.

Sở dĩ có nhan đề "Trời là ta ở tột cùng nhân bản" vì trong tập truyện này có một truyện ngắn "Cất tiếng gọi trời". Trong truyện "Cất tiếng gọi trời" đó thì nhân vật chính khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu và không thể vượt qua được thách thức này, khi đứa con bị cả xã hội quay lưng và chị ấy lại rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, chị ấy đã khóc. Khi mà rơi đến tột cùng của sự thất vọng chị ấy chỉ biết gọi trời thôi. Chị ấy nghĩ chỉ có ông trời mới có thể cứu được mình chứ không ai trong thế giới này có thể cứu được thì "Cất tiếng gọi trời" nó có ý nghĩa như vậy. Nhưng khi gọi trời và trời chẳng thấu và mưa vẫn tiếp tục xối xuống, hai mẹ con chìm trong vũng nước ở giữa đường không có ai đến cứu như vậy, thì cuối cùng vì cái tình thương con chị ấy đã gượng đứng dậy, dựng lại cái xe và cái xe cũng chết máy. Chị ấy ôm lấy con chạy đi và cuối cùng chị ấy đã được mách bảo để đến trung tâm và con chị ấy được điều trị, được phát triển và chị ấy cũng đã trở thành một giáo viên trung tâm. Ẩn ý của nhan đề "Cất tiếng gọi trời" là, chính chúng ta, không phải ông trời nào cao siêu cả, không phải thánh nào cả mà chính chúng ta, khi ở nghịch cảnh kinh khủng nhất, trong nỗi tuyệt vọng nhất, chỉ có thể tự mình, bằng tình yêu thương đối với những người thân của mình, đối với đồng loại của mình để có thể vượt qua mọi giới hạn, vượt qua chính mình và cứu được mình, cũng như cứu được người thân của mình.

Hạnh Thủy