• 2728 lượt xem
  • 14:50 14/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Trò chơi trời cho" - chuyện về những người cựu binh, thương binh trong cuộc sống đời thường

Cuốn tiểu thuyết “Trò chơi trời cho” do NXB Hội nhà văn phát hành được viết lên bởi một thầy giáo nhiều năm trong nghiệp dạy văn và có uy tín ở ngành giáo dục khu vực miền Bắc - đó là tác giả Hoàng Khôi.

Điều đặc biệt, ông là một cựu chiến binh, một thương binh, một cựu tù nhân bị địch bắt và phải trải qua một khoảng thời gian khổ ải trong lao tù. Tất cả quá trình ông đã trải qua trong thời chiến cũng như một chuỗi dài năm tháng sau đó khi đất nước hoà bình với những câu chuyện, tình huống, đan xen những kỷ niệm đã được tác giả đưa vào cuốn tiểu thuyết “Trời cho trò chơi”. Cuốn sách cũng đã để lại cho nhà báo Nguyễn Quang Hưng những xúc cảm đặc biệt.

Nhà báo NGUYỄN QUANG HƯNG: "Cuốn tiểu thuyết “Trò chơi trời cho” có thể nói là một cuốn sách mang màu sắc tự truyện khá là rõ nét. Cuốn sách là một câu chuyện về những tấm gương, những nghị lực vươn lên rất mạnh mẽ của những người cựu chiến binh, những người thương binh trong cuộc sống đời thường, thậm chí trong cuộc sống đời thường mà họ phải đi qua nhiều góc khuất, nhiều u uẩn nhất định. 

Trong bối cảnh đời sống của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn thì trong suy nghĩ, trong tư tưởng, trong cách đối xử với nhau, có những lúc con người ta chưa thật sự thông cảm, chưa thật sự ủng hộ cũng như nâng đỡ nhau trong công tác, trong đời sống. Bởi vì cũng có những yếu tố thực sự uẩn khúc trong thời kỳ chiến tranh. Với góc nhìn của mình, với sự mạnh dạn của mình, tác giả cũng không kém phần dũng cảm khi đi vào khai thác những câu chuyện đó. 

Về cách kể, phương thức truyền đạt câu chuyện thì tôi cũng cảm thấy rằng rất đồng cảm với tác giả Hoàng Khôi trong việc ông thể hiện câu chuyện mang tính chất tự truyện của đời mình, cũng như của đồng đội, qua việc ông xen kẽ các chi tiết, các trạng huống của đời sống. Ông không kể theo một lối mang tính chất tuyến tính, mà ông cài đặt, xen kẽ những chi tiết của đời sống hiện đại với thời kỳ quá khứ. 

Ông đặt bên cạnh nhau những không gian khác nhau của chiến trường, của lao tù, của đời sống giáo viên trong thời bao cấp, cũng như đặt bên cạnh nhau cuộc đời của những người bạn, để từ đó khi vừa đọc chúng ta lại vừa có sự liên tưởng cũng như sự so sánh để làm bật lên nét riêng của những nhân vật khác nhau cũng như nhận ra nét đặc trưng của từng không gian, thời gian trong quá khứ đã trôi qua. 

Khép lại câu chuyện “Trò chơi trời cho” của tác giả Hoàng Khôi, chúng ta cũng nhận thấy những điều có hậu trong đời sống, mặc dù đã đi qua nhiều chông gai, nhiều thử thách, không chỉ là thử thách trong chiến tranh mà còn thử thách trong đời thường, thử thách của sự thiếu thốn, đói khổ, kể cả sự nghi kỵ, sự hiểu lầm, những con người chân chính, đến lúc ở tuổi trung niên, ở tuổi cao niên, khi nhìn lại họ vẫn thấy mình sống một cách xứng đáng, không phải hổ thẹn với cuộc đời, với gia đình với đồng nghiệp. 

Đó là một trong những điều rất đáng quý và ấm áp khi chúng ta gấp lại cuốn sách này. Đó là những điều mà chúng tôi nghĩ rằng có thể chia sẻ và cảm nhận về cuộc đời tác giả, cũng như những câu chuyện mà ông kể trong cuốn tiểu thuyết của mình. Đặc biệt trong dịp chúng ta dành kỷ niệm những ngày tháng 7, tôn vinh các anh hùng, thương binh, liệt sĩ của đất nước."

Nhật Thảo