• 1189 lượt xem
  • 15:45 05/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "TIếng gọi đò" - Nỗi nhớ thương thiết tha với những bến đò của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn

Tiếng gọi đò” là cuốn sách đầu tiên về nhiếp ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn. Cuốn sách gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn ba mươi năm của tác giả, từ 1987 đến 2018.

"Tiếng gọi đò" thu hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông. Từ những tấm ảnh về bến đò và con người mang vẻ đẹp của thời gian và ký ức, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã khắc họa nỗi nhớ thương thiết tha trước những bến đò, trước những gương mặt người nông thôn nắng mưa vất vả. Đó cũng chính là tình yêu của ông dành cho làng quê Bắc Bộ. Ngay sau đây, xin mời quý vị và các bạn cùng đến với “Tiếng gọi đò” qua sự chia sẻ của chính tác giả - nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn.

NSND – NHÀ QUAY PHIM NGUYỄN HỮU TUẤN: ""Tiếng gọi đò" tập hợp những ảnh về đò. Đi nông thôn nhiều, chụp họ lao động, họ làm việc thì dễ nhưng chụp họ nghĩ gì thì khó. Khó nơi nào mà họ suy tư, họ thể hiện ra mặt hơn là bến đò. Tại sao lại là bến đò? Bến đò lúc đấy người ta ngồi đợi đò thì những trăn trở của cuộc sống một ngày hằn lên mắt, mặt họ. Tôi phát hiện ra chỉ có bến đò mới chụp được nội tâm của người nông thôn. 

Sang bên kia chỗ Tây Tựu, ở đó tôi đi đò, tôi vô tình biết, hôm đó 5-6h chiều rồi, tôi thấy tại sao có nhiều người ra đi đò thế. Thì hoá ra là người Hà Nội sang Đông Anh làm gạch, làm công nhật. Bên đấy rất nhiều lò gạch chui, lò gạch thủ công, lò gạch đấy cần rất nhiều nhân công. Tôi ngồi chuyến đò, tôi luôn nghĩ sắp đắm rồi, tôi nghĩ cho tôi một phần mà tôi nghĩ cho họ - ngày nào họ cũng mạo hiểm như tôi à, ngày nào họ cũng chịu rủi ro và tôi nhảy lên bờ tôi thấy tôi thoát nạn, mấp mé nước... đầy cảm xúc đến thân phận những người làm công việc chân tay, ngày nào cũng đối đầu với sự rủi ro, đắm đò sông Hồng thì chả thể cứu được, bốn năm mươi người làm sao cứu được. 

Tôi đi rất nhiều bến đò nhưng những bức ảnh của tôi 90% là những bức ảnh bến đò miền Bắc vì địa hình miền Bắc nó khác, phong tục tập quán của miền Bắc khác. Ta gọi là "hoàn cảnh riêng". Miền Nam đò sông nước lớn và câu chuyện tâm tình thì hình như dưới bóng lũy tre của miền Bắc, bến sông nhỏ bé có nhiều câu chuyện hơn là những bến phà lớn ở trong miền Nam. Tôi đã đi miền Nam rất nhiều và tôi chụp rất ít. Bởi vì tôi thấy nó bị loãng, không cô đọng tình người, đầm ấm, tha thiết như bến đò miền Bắc.

Tôi rất gắn bó với nông thôn miền Bắc. Ở các nước khác cũng vậy, muốn biết đời sống nông thôn Pháp, Ý... như thế nào, người ta xem qua những bức ảnh... tôi chụp để những ai muốn hiểu về nông thôn miền Bắc xem cuốn sách này của tôi.

Dĩ vãng là một cái gì đó qua rồi, đò sắp hết rồi, bây giờ rất tiên tiến, xã hội văn minh, đi đò chậm lắm, họ phải làm cầu. Cả quyển sách là tiếng gọi về bến đò mà tôi đã từng thương nhớ nó."

Hạnh Thủy