• 2625 lượt xem
  • 15:55 05/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Phan Nhân 1972" - Những câu chuyện khiến người đọc bật cười hoặc rưng rưng nước mắt

Đọc "Phan nhân 1972," chúng ta được dịp cởi bỏ lối "quan phương" chỉn chu, trang nghiêm, chỉnh tề trong hành văn chính thống để cảm nhận một lối viết tung tẩy, tùy hứng, tếu táo, ngang tàng.

Nhà báo Phan Thanh Phong: Phan Nhân 1972 là một cuốn sách, một món quà rất bất ngờ cho những người viết của chúng tôi và cũng chính là cho các bạn đọc. Lúc đấy chúng tôi có một cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, tôi có bàn với bạn bè tôi, những cựu học sinh khoá K15 trường Phan Bội Châu là chúng ta hãy viết về những kỷ niệm về những tuổi học trò của chúng ta, về những câu chuyện, những ký ức của thủa đi học. Đầu tiên tôi chỉ nghĩ những chia sẻ đấy trong cộng đồng cựu học sinh chúng tôi thôi, thế nhưng khi nhận được những dòng chia sẻ, những câu chuyện, những bản thảo viết đấy tôi rất bất ngờ, tôi thấy các bạn tôi những người học trường chuyên cũ- những cựu học sinh môi trường trường chuyên đấy, dù mỗi người một công việc khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau nhưng khi họ viết lại những kỷ niệm ngày xưa, viết về ký ức tuổi học trò của mình sao mà cảm động thế, hay thế, hấp dẫn thế. Và tôi lúc đấy mới gửi bản thảo cho nhà thơ Hữu Việt và cho một số anh chị ở nhà xuất bản thì họ đều đánh giá đây là một nội dung của một cuốn sách rất hay, rất hấp dẫn. 

Nhà thơ Hữu Việt: Những hồi ức của họ rất là tươi mới, những câu chuyện trong quá khứ dường như mọi người bị lãng quên thì đã được các bạn ấy nhớ lại và viết với một giọng vô cùng hài hước, thông minh, hóm hỉnh. Vẫn là những câu chuyện thầy trò, tình yêu đầu đời, câu chuyện học hành thậm chí là có một chút va chạm trong cuộc sống tuổi trẻ nhưng mà tại sao ta thấy cuộc sống nó hiện lên tươi đẹp thế. Khi mà đọc hoặc chúng ta sẽ bật cười hoặc chúng ta sẽ rưng rưng nước mắt.

Nhà báo Phan Thanh Phong  
Tôi đi học qua rất nhiều giai đoạn nhưng phải nói rằng là không có một giai đoạn nào chúng tôi thấy đẹp đẽ, ý nghĩa và gắn kết với nhau như thời kỳ chúng tôi đi học trường chuyên. Môi trường trường chuyên rất đặc biệt nó giống như một gia đình thân thiết và một gia đình đấy, cho dù ở đâu, đi đâu, chỉ cần nói lên hai tiếng Phan nhân có sự hiện diện của Phan Nhân là chúng tôi tìm thấy tình yêu thương, sự ấm áp ở đấy, sự gắn bó ở đấy. Đến tận bây giờ, qua rất nhiều lớp học, qua rất nhiều giai đoạn của cuộc đời nhưng những học trò, những cựu học sinh, những bạn cũ của tôi của thời kỳ học trường chuyên Phan Bội Châu lúc đấy vẫn tìm lại nhau, gắn kết là một cộng đồng rất yêu thương, đoàn kết. 

Nhà báo Phan Thanh Phong  
Lúc đấy chúng tôi những học sinh trường chuyên có sự gắn bó rất tình cảm, ấm áp với thầy cô của mình. Thầy cô lúc đấy giống như người cha, người mẹ của chúng tôi vì chúng tôi học xa nhà không có bố mẹ ở bên cạnh thì cái người mà chúng tôi tin cậy, tìm thấy sự ấm áp chính là thầy cô. Trong cuốn Phan Nhân 1972 thì chúng tôi có hẳn một phần là "Những người thầy” để nói về những tình cảm, sự gắn bó những đứa học sinh chúng tôi với thầy cô giáo mà đọc mọi người sẽ thấy rất cảm động. 

Nhà thơ Hữu Việt 
Tôi cho rằng đây là 1 cuốn hồi ức rất hay, một đặc biệt ở cuốn sách này là được viết bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời của người Nghệ Tĩnh, chúng tôi gọi đấy là một thứ "ngoại ngữ" mà khi chúng ta tìm hiểu nó thì những sắc thái ngôn ngữ sẽ mô tả vẻ đẹp của vùng đất, của con người... một vẻ đẹp của văn chương mà có lẽ là nó làm nên sự đặc sắc của cuốn hồi ức này

Hạnh Thủy