• 4940 lượt xem
  • 14:54 16/05/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Những trang sách thức tỉnh con người" của nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê từ lâu đã được độc giả yêu văn học trong nước biết đến qua các tác phẩm tiểu thuyết, trong đó có một số tác phẩm được giải thưởng lớn. Bên cạnh sở trường này, ông còn là nhà báo viết chính luận, một nhà phê bình sắc sảo. “Những trang sách thức tỉnh con người” là tập phê bình mới nhất của ông, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

"Những trang sách thức tỉnh con người” là một tập tiểu luận phê bình của nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê. Ông là một tác giả đã có nhiều tiểu thuyết và ông có 4 tập phê bình. Đây là tập thứ tư “Những trang sách thức tỉnh con người”. Trong tác phẩm này tập hợp 48 tiểu luận và 48 bài phê bình mà tác giả nói là ông viết trong 5 năm. 

Đọc tập tiểu luận phê bình này, tôi thấy hầu hết những tác phẩm có thể gọi là được truyền thông chú ý, dư luận chú ý trong đời sống văn học khoảng 5 năm gần đây đều có mặt trong tác phẩm này. Nói thế để thấy nhà văn Nguyễn Khắc Phê mặc dù là một người đã cao tuổi nhưng ông là một người thâm nhập rất sâu vào đời sống văn học và không có một biểu hiện nổi bật nào trong đời sống văn học mà tác giả bỏ qua.

Đây là một tiếng nói để góp phần, để nhận diện những giá trị trong đời sống văn học. Ta sẽ thấy ông bao quát rất nhiều khía cạnh, từ khía cạnh tác phẩm lịch sử đến những tác phẩm hồi ký kiểu như “Gánh gánh gồng gồng” của Xuân Phương đến những tác giả trẻ. Tôi rất ấn tượng với cách viết về Phan Thúy Hà hay là Nguyễn Hải Yến của tác giả, đầy trân trọng. Trân trọng những con người trẻ tuổi, có tài năng và đang trên con đường khẳng định mình.

Với những vấn đề gai góc, những vấn đề đang bàn luận của văn chương, Nguyễn Khắc Phê đã đưa ra ý kiến của mình, ý kiến ấy có lúc khen có lúc chê, quan điểm của ông là quan điểm độc lập nhưng điều này rất đáng quý, tất cả sự khen chê đều có một mong muốn là góp phần vào sự tốt đẹp cho đời sống sáng tác của văn học. Và tất cả sự khen chê ấy đều trên sự ghi nhận, sự trân trọng. Ví dụ ông góp ý một điều và ông sẽ vui mừng nếu tác giả hoặc những người khác đồng tình với ông, còn nếu không thì cũng coi như là một ý kiến của ông. Tức là một lời nói không áp đặt, một lối phê bình không áp đặt, một lối phê bình tôi cho là có tìm hiểu đến căn nguyên của vấn đề, có sự cảm thông với tác giả và sâu sắc, tinh tế

Phong cách phê bình của Nguyễn Khắc Phê khá phóng túng, bởi bên cạnh những vấn đề về cảm nhận, nhận xét về những tác phẩm văn chương, ông còn đưa vào đấy những vấn đề về tư liệu với lối viết tổng hợp. Sử dụng lối ghi chép, sử dụng tư liệu, sử dụng đối thoại là một lối viết của một nhà văn tài hoa, khá sinh động. Có lần, tác giả nói “lối viết của tôi xa với lối viết hàn lâm”, nhưng tôi nghĩ như thế lại gần với đời sống của văn học và nó cũng dễ đi vào tâm hồn của người đọc. 

Khi khép lại tác phẩm này, có thể nói Nguyễn Khắc Phê đã để lại một bài học cho những người trẻ, liên tục bám sát những hiện tượng văn học, liên tục bám sát đời sống, liên tục suy nghĩ và luôn luôn cố gắng để tìm được cái mới… đấy chính là cảm nhận của tôi.

Nhật Thảo