• 1014 lượt xem
  • 16:03 12/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Món chay bếp nhà" - Lan toả tình yêu với gia đình thông qua món ăn nơi bếp

Từ ngàn xưa, các cụ ta đã có câu rằng “Đàn ông xây nhà. Đàn bà xây tổ ấm”. Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng làm cho gia đình đầm ấm chính là tình yêu từ trong gian bếp nhỏ. Dù cuộc sống thanh đạm hay sung túc, dù bạn là người thành công hay giản dị, bạn vẫn có chung một tình yêu với bếp - nơi ta được chăm sóc, được yêu thương.

Cùng nghe chia sẻ của nhà báo Vĩnh Quyên về cuốn “Món chay bếp nhà” của tác giá Helen Lê Hạ Huyền!

Cá nhân tôi rất thích cuốn “Món chay bếp nhà”, và tôi nghĩ rằng đây là cuốn sách rất là hữu dụng đối với các gia đình hiện nay. Chúng ta thấy rằng trước đại dịch Covid thì xu hướng ăn ở nhà không nhiều. Đa phần chúng ta thích đi ra ăn ngoài hàng ngoài quán. Nhưng mà đại dịch Covid đã thay đổi rất nhiều thứ. Mọi người muốn về ăn tại nhà nhiều hơn, và đặc biệt là các bữa cơm tối, bởi vì lúc đó họ cảm thấy được sự cần thiết của bếp ăn gia đình,  không khí của gia đình, cũng như sự tin tưởng trong việc lựa chọn các nguồn thức ăn vừa bổ dưỡng vừa sạch.

Hiện nay xu hướng ăn chay đã tăng lên rất nhiều. Tôi nghĩ rằng cuốn sách này rất bổ ích. Ngoài các công thức món ăn rất đơn giản, dễ làm, ai cũng có thể làm được, nguyên liệu cũng không khó, và các công thức được trình bày đơn giản, lại thêm có cả những hình ảnh minh họa rất công phu, có nhiều món ăn nổi tiếng của 3 miền Bắc Trung Nam, và đều là những món mà tôi nghĩ rằng vừa bổ dưỡng vừa ngon miệng, đẹp mắt nữa.

Tôi nghĩ nấu nướng không chỉ đơn thuần là nấu. Nấu hand-made khác hẳn nấu công nghiệp. Khi các bà nội trợ hoặc các ông chồng nấu những món ăn cho gia đình chẳng hạn, thì nó chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Cảm xúc ngay từ chỗ là suy nghĩ xem hôm nay mình sẽ nấu món gì cho những người thân yêu của mình. Rồi cảm xúc từ lúc mình đi chọn mua nguyên liệu, cho đến lúc đứng bếp. Ví dụ như tôi chẳng hạn, khi mà tôi vui, tôi hạnh phúc thì tôi nấu món ăn rất ngon. Mặc dù vẫn công thức đấy, nhưng chỉ cần mình bực dọc, mình cáu kỉnh một cái gì đó, thì món ăn hôm đó cảm giác nó bị đuểnh đoảng đi nhiều. 

Khi có những năng lượng tích cực, có cái yêu thương gửi gắm ở trong món ăn, thì những người thân trong gia đình mà thưởng thức món ăn đấy cũng được truyền cảm xúc tích cực của người nấu ở bên trong. Nó giá trị là ở chỗ như vậy. Chính vì vậy, khi nấu một món ăn mà cả gia đình quây quần cùng ăn, thường bao giờ cảm giác nó cũng rất vui, rất đầm ấm và hạnh phúc. Nó khác hẳn cái cảm giác khi chúng ta đi ăn ở ngoài đường.

Tôi thích cái tên của cuốn sách này. Đấy là “Món chay bếp nhà”. Tác giả đã đặt một cái tên giản dị, nhưng tôi nghĩ rằng nó có rất nhiều thông điệp ở trong đấy. Bếp nhà nó gợi lên một cái gì rất ấm cúng và thân thương. Một gia đình có hạnh phúc hay không, có đầm ấm hay không, thì tôi nghĩ rằng đối với người Việt thì nó phụ thuộc rất nhiều vào cái bếp nhà có thường xuyên đỏ lửa hay không. Sau một ngày, cha mẹ vợ chồng con cái, mỗi người đi học, đi làm một nơi, và buổi tối về nhà quây quần bên mâm cơm, thì đấy là một cảm giác rất sum vầy. 

Vì thế tôi thích cái từ “Món chay bếp nhà”. Thay vì những cái từ khác có thể hoa mỹ hơn, “Đỉnh cao của món chay” hay gì đó chẳng hạn, thì tôi nghĩ rằng tác giả Helen Lê Hạ Huyền đã có những thông điệp gửi gắm trong quyển sách của chị, thông qua một cái tên giản dị là “Món chay bếp nhà”.
 

Thiện Đoan